Ngày 18/5, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM trao giải Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1.
Cuộc thi Thiết kế vi mạch nhằm tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, để giải quyết các bài toán trong bối cảnh TP.HCM đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh.
Ban tổ chức trao giải cho các dự án xuất sắc có tính ứng dụng cao trong việc xây dựng đô thị thông minh. |
Trong tổng số 39 dự án tham gia cuộc thi, Ban Tổ chức đã chọn ra 5 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết, đáp ứng đủ 3 tiêu chí như: có tính đổi mới sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng ươm tạo phát triển.
Một số dự án có những ý tưởng thiết kế vi mạch khá mới mẻ, được các chuyên gia, doanh nghiệp vi mạch đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa ra thị trường và đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ.
Trong đó, giải nhất được trao cho Dự án “Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm” của Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Giải nhì thuộc về Dự án “Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh” của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Giải ba được trao cho Dự án “Thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT” của Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Ngoài ra, Ban tổ chức trao 4 giải khuyến khích và 6 giải triển vọng cho một số nhóm dự án được đánh giá cao về khả năng ứng dụng, phát triển trong tương lai.
Các dự án vi mạch bán dẫn trưởng thành từ Cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 1 sẽ được đào tạo chuyên sâu, ươm tạo và kết nối phát triển, nghiên cứu triển khai rộng rãi với sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và tiến xa hơn nữa tới việc hình thành doanh nghiệp thiết kế vi mạch ngay tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM đang vận dụng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 để đưa ngành công nghiệp vi mạch TP.HCM trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế Thành phố, dẫn dắt các ngành công nghiệp khác.