Liên đoàn Lao động TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp (có quan hệ lao động) trên địa bàn chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này.
Cụ thể, đối tượng được đưa vào kế hoạch hỗ trợ gồm người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng hoặc đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập.
Các lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly hoặc bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên cũng thuộc diện được hỗ trợ.
Mức hỗ trợ dự kiến từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng tùy trường hợp. Với người lao động là F0 phải điều trị, sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng.
Công nhân làm việc tại nhà máy may mặc ở TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn). |
Phía Liên đoàn Lao động TP.HCM hiện phối hợp với công đoàn, các tổ công nhân tự quản... tổng hợp các trường hợp người lao động là F0, F1, F2... để có phương án hỗ trợ người lao động kịp thời trong thời gian xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Công đoàn khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM cũng đang chờ ngành Y tế kiểm tra, phân loại các đối tượng F0, F1, F2 để chi chính xác chế độ hỗ trợ cho công nhân bị cách ly theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ ngày 27/04/2021.
Trước đó, với tình hình dịch bệnh phức tạp, Chính quyền TP.HCM đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12.
Thực hiện quyết định này, những doanh nghiệp có trụ sở, nhà xưởng trong địa phận quận này đã gặp một số khó khăn trong việc di chuyển từ quận khác đến làm việc. Các phương án về làm việc từ xa được kích hoạt. Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng có thể xử lý từ xa, một số công việc mang tính chất giấy tờ, hợp đồng, đặc biệt là những hợp đồng đã đến hạn buộc phải hoàn thành thì doanh nghiệp phải tìm cách xoay sở.
Chia sẻ với baodautu.vn, bà Huỳnh Sương, đại diện một sàn thương mại điện tử về dược phẩm cho biết, công ty có văn phòng tại quận Gò Vấp và nhiều nhân sự ở các quận khác.
Tuy nhiên, thực hiện quyết định giãn cách xã hội của Thành phố và để đảm bảo an toàn cho người lao động, doanh nghiệp này đã ra thông báo cho 100% nhân sự làm việc tại nhà.
“Những doanh nghiệp sản xuất như may mặc sẽ gặp nhiều khó khăn vì cần người lao động tại xưởng. Chúng tôi là doanh nghiệp công nghệ nên việc chuyển đổi cách làm việc trên môi trường số cũng dễ dàng hơn”, bà Huỳnh Sương chia sẻ.
Trong khi đó, ban lãnh đạo một công ty sản xuất lưới có trụ sở tại Gò Vấp đang trong tình trạng “nóng như lửa đốt” vì lãnh đạo thì ở Gò Vấp còn trụ sở ở khu công nghiệp Hóc Môn.
2 ngày trước, ở huyện Hóc Môn đã có ca nghi nhiễm Covid-19 làm việc tại một kho hàng khiến các doanh nghiệp xung quanh càng thêm lo ngại.
“Trụ sở công ty ấy hiện chỉ có lãnh đạo làm vì nhân viên đang kẹt vấn đề ra vào Gò Vấp rất khó khăn. Họ đang rất vất vả để làm việc với nhân viên theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất không được ngưng trệ”, đại diện một Hiệp hội chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về tình hình của doanh nghiệp hội viên.
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, sáng 2/6, TP.HCM ghi nhận 23 trường hợp nghi nhiễm mới, trong đó có 7 trường hợp tại quận Gò Vấp, 1 trường hợp tại quận Bình Tân, 1 trường hợp tại TP.Thủ Đức, 2 trường hợp tại Tân Bình, 1 trường hợp tại Quận 8, 3 trường hợp tại quận 12, 6 trường hợp tại quận Bình Thạnh, 1 trường hợp tại Bình Chánh và 1 trường hợp mới nhận kết quả từ phòng xét nghiệm đang xác minh thông tin.
Qua xác minh ban đầu trong 23 trường hợp này thì có 17 trường hợp được xét nghiệm theo diện F1, có 1 trường hợp là tiếp xúc vòng 3 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 5 trường còn lại đang được xác minh nguồn tiếp xúc.
Như vậy tính đến sáng nay, có 497 ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 267 ca điều trị khỏi; 230 ca đang điều trị.