Trong báo cáo mới nhất vừa gửi UBND TP.HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố (MAUR) cho biết, đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường cho dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Cụ thể, tiến độ ban hành quyết định bồi thường đã đạt 99,67%, tương ứng 584/586 trường hợp, giảm 17 trường hợp do không đủ điều kiện để lập phương án bồi thường tại quận Tân Bình. Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 83,45% (489/586 trường hợp).
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, MAUR kiến nghị UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo Thanh tra Thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của quận 3. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét thẩm định và phê duyệt hồ sơ bồi thường theo hiện trạng, hỗ trợ di dời tạm hệ thống cáp viễn thông của các đơn vị có liên quan.
Công tác giải phóng mặt bằng ì ạch dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án triển khai chậm hơn so với kế hoạch (Ảnh: Lê Toàn) |
Bên cạnh đó, MAUR kiến nghị UBND các quận 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sớm thực hiện rà soát và trình Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh dự án bồi thường, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét, thẩm định trình UBND Thành phố phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án trong đầu tháng 3, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của dự án.
Đáng chú ý, phía chủ đầu tư thông tin, sau khi MAUR trình xin ý kiến đồng thuận của các nhà tài trợ dự án về tiến độ hoàn thành tuyến metro số 2 đến năm 2030 (chưa bao gồm 2 năm thông báo sửa chữa khiếm khuyết của nhà thầu/thời gian bảo hành), phía Ngân hàng KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức) đã có thư cơ bản đồng thuận với tiến độ tổng thể cập nhật của dự án.
Như vậy, tuyến metro số 2 sẽ tiếp tục lùi thời gian hoàn thành thêm 4 năm so với mốc 2026 theo dự kiến trước đó.
Theo lý giải của MAUR, giai đoạn trước, công tác giải phóng mặt bằng ì ạch dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Đồng thời, việc Tư vấn IC dừng hỗ trợ dự án từ năm 2018 đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, trao thầu… của các gói thầu chính. Từ năm 2020 đến năm 2021, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán để thương thảo phụ lục hợp đồng số 13, nhưng chưa đạt được các thỏa thuận chung.
Tháng 5/2021, TP.HCM thống nhất chủ trương kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 và thực hiện các thủ tục kết thúc hợp đồng với tư vấn IC. Tuy nhiên, tư vấn IC sau đó đã có đề nghị mở đàm phán lại để có thể hoàn thành giai đoạn A (thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính) với sự sẵn sàng hợp tác.
Sau nhiều lần "lỡ hẹn", dự án đến nay vẫn chưa chốt ngày khởi công. (Ảnh: Lê Toàn) |
Để thúc đẩy công tác lập, thẩm tra, thẩm định dự toán Phụ lục hợp đồng số 13, song song với quá trình UBND Thành phố xem xét chấp thuận chủ trương mở lại đàm phán, MAUR đề nghị Sở GTVT có ý kiến góp ý về dự toán Phụ lục số 13.
Ngoài ra, nguồn vốn cũng là 1 trong những nút thắt cản trở tuyến metro số 2 về đích đúng hẹn.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019. Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cùng hai Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ cho dự án gần 37.500 tỷ đồng, còn lại hơn 10.400 tỷ đồng là vốn đối ứng từ phía Việt Nam.
Metro số 2 trước đó ký hai khoản vay với KfW, tổng trị giá 313 triệu USD, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện. Hai khoản vay này hết hiệu lực cuối năm 2020, nhưng chưa được gia hạn dẫn đến dự án chưa được bố trí vốn trung hạn ODA cấp phát 2021 - 2025.
Ngoài ra, hồi tháng 8/2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý hủy trước hạn số tiền 390 triệu USD thuộc Hiệp định vay của ADB tài trợ cho dự án. Việc hủy khoản vay này, MAUR cho biết sẽ thay thế bằng phần vay khác của ADB trị giá khoảng 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay việc thẩm định lại điều kiện vay vốn của ADB vẫn chưa xong.