Thời sự
TP.HCM và ĐBSCL hợp tác 5 lĩnh vực có thế mạnh
Huy Tự - 27/07/2023 16:20
TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL vừa công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL đến năm 2025, đánh dấu sự hợp tác toàn diện và cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của vùng.

Sự kiện nhằm khẳng định sự hợp tác, kiên kết ngày càng thực chất, hiệu quả và tăng trưởng bền vững hơn giữa TP.HCM và ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL và TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo thỏa thuận hợp tác, trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng ký Thỏa thuận Hợp tác vào tháng 3/2023 tại tỉnh Bến Tre.

Năm lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL đến 2025

Trong năm 2024-2025, TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL sẽ tập trung hợp tác trên 5 lĩnh vực. 

Về phát triển hạ tầng giao thông: Phối hợp Bộ GTVT triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP.HCM - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy TP.HCM - ĐBSCL.

Về phát triển du lịch: Tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối, xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Về hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu: Tổ chức hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới. Đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng. Hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi sốTổ chức hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững. Xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Về phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động: Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đề án kết nối các trường Đại học, các viện, các trung tâm đào tạo nhân lục cho vùng. Thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi Công bố Thỏa thuận Hợp tác TP.HCM và ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, thời gian qua, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đạt những kết quả tích cực.

Trên cơ sở đó, việc triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, thiết thực đi vào chiều sâu, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương của vùng ĐBSCL vàTP.HCM , tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên có liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên, trao đổi kinh nghiệm, về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Vấn đề cơ bản của Kế hoạch Thỏa thuận giữa TP.HCM và ĐBSCL kỳ này không phải là vấn đề TP.HCM chỉ đơn thuần hỗ trợ địa phương này, tỉnh kia trong vùng một dự án hay sự kiện cụ thể, đơn lẻ nào cả, mà lãnh đạo TP.HCM và ĐBSCL phải quyết tâm hành động, cùng liên kết hợp tác theo định hướng Quy hoạch phát triển của vùng và khu vực, riêng TP.HCM đã chủ động trong sự hợp tác này.

Để phát triển bền vững, cả TP.HCM và ĐBSCL phải cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định. Sự hợp tác này phải dựa trên thống nhất nhận thức rằng TP. Cần Thơ có vai trò trung tâm, đầu tàu của vùng ĐBSCL để tránh tình trạng manh mún - ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Trường, Chủ Tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại buổi Công bố Thỏa thuận Hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TP.HCM trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Trường, đây là sự quan tâm rất đặc biệt của TP.HCM giành cho sự phát triển của vùng ĐBSCL nói chung, của TP. Cần Thơ nói riêng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Với tinh thần cầu thị, hợp tác và tạo điều kiện để cùng phát triển, TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng kỳ vọng thường xuyên nhận được sự phối hợp, liên kết hợp tác chặt chẽ với TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL. TP. Cần Thơ sẽ có văn bản đề xuất cụ thể đến TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL để tiến tới hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đề xuất các giải pháp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh

Theo ông Mãi, trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Trong năm 2024 - 2025 sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kho học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Trong đó nhấn mạnh đến kết nối phát triển hạ tầng giao thông là nhu cầu cấp thiết đặt ra: hai bên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải triển khai dự án đường sắt TP.HCM - ĐBSCL và tăng cường kết nối đường thủy TP.HCM và ĐBSCL còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.

Nhiều dư địa và cơ hội cho hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL

Được biết, ngày 11/3/2023 vừa qua, tại tỉnh Bến Tre, UBND TP. Cần Thơ đã cùng với đại diện UBND các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác với TP.HCM. Đây được xem là điều kiện thuận lợi, nền tảng tạo ra cơ hội hợp tác mới mang tầm sâu rộng giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL .

Nhận thức hợp tác phát triển là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP. Cần Thơ rất quan tâm, chủ động liên hệ với các địa phương để thúc đẩy các hoạt động này. Cơ hội phát triển TP. Cần Thơ thông qua chủ trương, định hướng, các dự án trọng điểm, chính sách ưu đãi được phê duyệt… là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận được sự liên kết hợp tác từ TP.HCM và vùng ĐBSCL để tạo động lực thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ hai phía.

Nhìn chung, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL thống nhất cao với bản kế hoạch, đồng thời có sự chia sẻ đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Kế hoạch như: cần chú ý phát triển đồng bộ hệ thống đường hàng không trong vùng kết nối với cả nước; thúc đầy triển khai nhanh đường ven biển vùng ĐBSCL làm động lực phát triển hành lang kinh tế ven biển của vùng; tổ chức nhiều hơn các sự kiện xúc tiến đầu tư trong vùng để giới thiệu quảng bá môi trường mời gọi thu hút đầu tư; liên kết sâu hơn nữa trên lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Đồng thời đề xuất TP.HCM làm đầu mối để điều tiết, kết nối, dẫn dắt nhà đầu tư đến với vùng ĐBSCL.

Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, phát huy vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang tập trung tăng cường kết nối giao thông về cảng, logistics, tập trung vào thế mạnh của mình. Ngoài 900 ha phát triển Khu công nghiệp VSIP, Cần Thơ đang quy hoạch vùng hơn 3.000 ha phát triển công nghiệp công nghệ cao và đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư lớn chiến lược vào các lĩnh vực dịch vụ cao cấp, như nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện chuyên sâu, đầu tư các khu công nghiệp lớn. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống cảng biển để đáp ứng nhu cầu vận tải quy mô lớn, nhất là gắn với các khu công nghiệp.

Lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị tiếp tục được hợp tác với TP.HCM về phát triển Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; phát triển du lịch, đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, du lịch chất lượng cao, xuất khẩu lao động…

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng tình cao với bản Thỏa thuận về hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL trong vấn đề hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn về biến đổi khí hậu và hợp tác giảm khí thải môi trường theo mục tiêu COP 26 của Chính phủ, nhất trí cần hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng, với lợi thế của TP.HCM, tỉnh Bạc Liêu rất mong muốn tăng cường hợp tác về lĩnh vực y tế, nuôi trồng thủy sản. Bạc Liêu cũng là vùng nuôi tôm đứng nhóm đầu cả nước, về cả diện tích và sản lượng, bản thỏa thuận rất phù hợp với định hướng phát triển 5 trụ cột của tỉnh, nhất là trên lĩnh vực hợp tác về y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để thu hút đầu tư hiệu quả vào các Khu công nghiệp vùng ĐBSCL, trong định hướng tới, những loại hình thâm dụng lao động nhiều như ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nên khép dần lại và chuyển dịch lao động về ĐBSCL. Khi giao thông của vùng đã phát triển, TP.HCM có thể hình thành khu điều phối về khu công nghiệp, còn khu công nghiệp, doanh nghiệp có thể đặt tại An Giang cũng như các tỉnh khác. Trụ sở của doanh nghiệp vẫn đặt ở TP.HCM nhưng nhà xưởng họ đặt tại ĐBSCL, như vậy cán bộ, công nhân không phải di chuyển như trước mà họ làm việc tại quê nhà, qua đó sẽ giảm áp lực xã hội lên TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Ông Thư cũng cho biết đã trao đổi với Đồng Tháp, Long An và sẽ trao đổi với TP.HCM về hình thành hành lang kinh tế biên giới nối từ huyện Củ Chi qua Long An, Đồng Tháp, An Giang và kéo đến Kiên Giang, ra Phú Quốc. Hành lang kinh tế này kết hợp với các tuyến đường ở tuyến biên giới, vừa là trục động lực phát triển kinh tế - xã hội kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới trong vùng.

Cùng thông qua với Kế hoạch về Thỏa thuận Hợp tác giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL kỳ này, TP.HCM xin ý kiến lãnh đạo các địa phương  thống nhất kiên trì phối hợp trên bình diện TP.HCM và vùng ĐBSCL. Cấp độ này là cấp độ chính bao trùm và dựa trên Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về ĐBSCL và Nghị quyết 59 về Cần Thơ, vì Cần Thơ là trung tâm của vùng. Đây là cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để thiết kế chương trình phối hợp và kiên trì theo nội dung này", ông Mãi nói.

Hiện TP.HCM đã thành lập tổ điều phối để thực hiện các lĩnh vực hợp tác. Ngoài ra, TP.HCM có hợp tác song phương với từng tỉnh, thành, nhưng hợp tác cấp vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL là xương sống của liên kết giữa hai bên.

TP. Cần Thơ rất trân trọng sự ưu ái của của TP.HCM dành cho các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Trước mắt, sau Kế hoạch Thỏa thuận Hợp tác này, hy vọng người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của ngành Y học hàng đầu mà TP.HCM đang có; cũng như phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, logictis hiện đại; kết nối phát triển công nghiệp giữa các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL và TP.HCM; hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vào các kênh phân phối tại TP.HCM; đồng thời phối hợp nghiên cứu đề xuất dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này trong thời gian sớm nhất, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác