Sáng 13/5, Ban quản lý các Khu công nghiệp-Khu chế xuất TP.HCM (HEPZA) đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận 7 triển khai thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với công nhân của Công ty Organ Needle Việt Nam tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7.
Theo đó, 200 công nhân của Công ty Organ Needle Việt Nam đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Công nhân phải khai báo y tế trước khi lấy mẫu |
Đây là hoạt động lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên nằm trong hoạt động phòng chống Covid-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sau khi khai báo thông tin cá nhân gồm tên và số điện thoại, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu gộp (mẫu hầu) của 5 người. Cách làm này nhanh hơn trước đây (trước đây lấy mẫu đơn của từng người một). Nếu mẫu xét nghiệm là dương tính, Trung tâm sẽ liên lạc trực tiếp với người bệnh qua số điện thoại đã khai báo.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa, Trưởng bộ phận Hành chính dân sự của Công ty Organ Needle Việt Nam chia sẻ rằng, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, cũng như chỉ đạo từ Ban quản lý của KCX Tân Thuận.
“Nhân viên trước khi vào công ty đều phải đo thân nhiệt (1 ngày 2 lần) và lấy hồ sơ y tế, công nhân nghỉ việc sau 3 ngày phải khai báo y tế trước khi vào công ty,” bà nói.
Sau dịp nghỉ lễ 30/4, HEPZA đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) và Trung tâm Y tế quận, huyện lên phương án lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong các doanh nghiệp tại KCN-KCX trên địa bàn.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban HEPZA, từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại, HEPZA đã lấy được 16,800 mẫu, và từ sau dịp lễ 30/4 – 1/5 đã có 3 đoàn lấy mẫu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong các KCN-KCX miền Trung và miền Bắc, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và thành phố hết sức quan tâm đến địa bàn KCN TP HCM.
Nhân viên HCDC đang lấy mẫu nhân viên Công ty Organ Needle Việt Nam tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận |
TP HCM có 17 KCX-KCN, trong đó gần 280.000 lao động và gần 3.000 lao động nước ngoài. Ngoài công tác tuyên truyền chung của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và HCDC, HEPZA yêu cầu doanh nghiệp thực hiện một số nội dung như:
Yêu cầu doanh nghiệp thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch trong mỗi doanh nghiệp, trong đó phải có đầu mối rõ ràng để liên hệ.
Lập danh sách công nhân lao động trong doanh nghiệp, cụ thể về nơi cư trú, tạm trú, thường trú. Công ty phải nắm được cá nhân tiếp xúc với người từ vùng dịch, khi có sự cố nhiễm dịch phải phối hợp trung tâm y tế quận huyện, và HCDC thực hiện ngay khoanh vùng và di dời để rút ngắn thời gian tiếp xúc.
Người lao động bị cách ly sẽ được trả mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng (theo luật mức lương được trả không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng) khi cách ly.
HEPZA đã phối hợp công đoàn KCX-KCN xây dựng phương án ứng phó sự cố khi có dịch xảy ra trong KCN-KCX. Như phân công phân nhiệm các bên thực hiện và dự báo kịch bản có thể xảy ra (trường hợp công nhân nhiễm bệnh ngoài khu công nghiệp và vào làm việc tại KCN, trường hợp nhiễm tại KCN, hoặc trường hợp bình thường có tiếp xúc với trường hợp F0, F1, F2…)
HEPZA cũng thành lập các đoàn trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp để hướng dẫn thực hiện cho đúng công tác phòng chống dịch trong doanh nghiệp, và khuyến cáo của HCDC.
Thêm vào đó, HEPZA sẽ rà soát, thẩm định bộ chỉ số an toàn sản xuất ban hành bởi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Đây là chỉ số các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ an toàn trong sản xuất. Sau khi doanh nghiệp hoàn thành, HEPZA sẽ thẩm định lại và quyết định cho phép tiếp tục sản xuất.
Thực hiện đúng tiêu chí 5K khi tham gia lấy mẫu |
Công tác kiểm tra tập trung các doanh nghiệp trên 500 lao động, đối với doanh nghiệp lao động ít hơn 500 người sẽ làm theo dạng cuốn chiếu. Từ hai tuần vừa qua, đã kiểm tra hướng dẫn cho 18 doanh nghiệp lớn trên 500 lao động.