Tham dự buổi hội thảo có các chuyên gia trong và ngoài nước, các sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển và đặc biệt là sự có mặt và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Hội thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và Thách thức |
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã được thông qua vào chiều 5/10/2015. Đây là bước ngoặt lịch sử đối với các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Điều đó cũng có nghĩa TPP mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như các nước thành viên.
Tuy nhiên, TPP được chú ý hơn cả bởi các nước thành viên TPP chiếm tỷ trọng lớn trong GDP và thương mại thế giới, tương ứng tỷ lệ là 36% và 25%. Hiệp định TPP là một trong các hiệp định thương mại toàn diện nhất, với nội dung thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực.
Theo PGS, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viên Chính sách và Phát triển cho biết: “Bên cạnh những lợi ích mà TPP đem lại như mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp tái cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức tồn tại như sự cạnh tranh trong ngành chăn nuôi, quy định nghiêm ngặt của luật sở hữu trí tuệ, điều khoản tỷ giá hối đoái … ”
Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất mà PGS, TS. Đào Văn Hùng nêu ra đó là, TPP sẽ góp phần cải cách không chỉ thể chế kinh tế mà cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, qua đó góp phần làm tăng GDP của Việt Nam trong những năm tới.
PGS, TS. Đào Văn Hùng cho rằng, TPP sẽ đem lại sự cải cách cho khối doanh nghiệp nhà nước |
Đồng quan điểm với PGS, TS. Đào Văn Hùng, bà Virginia Foote, Chủ tịch Bay Gloabal Strategies, Quản trị Phòng thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, trong đó bao gồm cả việc nâng cao uy tín với các quốc gia khác ngoài TPP.
“Lợi ích mà TPP mang lại cho Việt Nam đó là có thể tạo nên cú hích để GDP Việt Nam tăng trưởng ngay lập tức và duy trì sự tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng sẽ góp phần củng cố các chuỗi cung ứng trong khu vực và các ngành công nghiệp phụ trợ, tăng cường thông lệ hoạt động của các doanh nghiệp, mở đường thuận lợi cho các nổ lực cải cách và hiện đại hóa”, bà Virginia Foote đánh giá.
Tuy nhiên, bà Virginia Foote cũng lưu ý các rủi ro đi kèm đó là các công ty Việt Nam chưa chuẩn bị cho việc áp dụng các quy tắc và chuẩn mực mới trong môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, cùng với đó là việc thiếu lực lượng lao động được đào tạo bài bản.