TPP tạo cơ hội cho xuất khẩu trực tiếp
Thế Hải - 12/03/2015 10:21
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, gạo, cà phê, xi măng… giảm trung gian để chuyển sang xuất khẩu trực tiếp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ trước thềm TPP
Hội nhập không thể “bình chân như vại”
Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội đang rộng mở
Đàm phán TPP chuẩn bị kết thúc
Dệt may mở rộng đầu tư đón TPP

“Chúng tôi đang nỗ lực để giảm bớt xuất khẩu qua trung gian, củng cố nguồn nhân lực có trình độ để tiến tới gia tăng lượng đơn hàng ký trực tiếp với nhà nhập khẩu Mỹ và nhiều thị trường khác, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các trung gian như hiện nay”. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugarco) đã chia sẻ như vậy trong bối cảnh một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng dự kiến được ký kết trong năm nay.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn khi tham gia sân chơi thương mại lớn như TPP

Hugarco là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, với hơn 12.000 lao động, đóng góp tới 350 triệu USD doanh thu xuất khẩu/năm, nhưng chia sẻ của người đứng đầu doanh nghiệp này phản ánh khá rõ thực tế phụ thuộc quá nhiều vào đối tác trung gian để tìm kiếm khách hàng xuất khẩu.

Tất nhiên, đây cũng là thực trạng chung của cả ngành dệt may, cũng như các ngành xuất khẩu khác, như da giày, gạo, cà phê… của Việt Nam.

Không quá choáng ngợp với các cơ hội gia tăng xuất khẩu đang được mở ra từ nhiều thị trường lớn, khi Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng đối với với nhiều FTA quan trọng, như TPP, FTA Việt Nam - EU, các doanh nghiệp đang tỏ ra thận trọng và có sự chuẩn bị theo cách riêng, phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Huy Đức, Tổng giám đốc điều hành Công ty Đông Phong (Thái Bình) cho biết, Mỹ có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, song phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ phải thông qua công ty trung gian ở nước thứ ba, nên hiệu quả xuất khẩu hạn chế, trong khi rủi ro cao hơn.

Thực tế, có doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, xi măng xuất khẩu qua nhà phân phối trung gian đã phải chấp nhận chi hoa hồng tới 15% giá trị hợp đồng.

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Mỹ trước thềm TPP” do Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội và Văn phòng Luật sư Sterling Harwood tổ chức ngày 9/3/2015 tại Hà Nội, ông Đặng Đức Dũng, chuyên gia tư vấn đầu tư, nguyên Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội đã nêu ra 3 điểm nhấn quan trọng đối với doanh nghiệp khi TPP được ký kết và có hiệu lực.

Thứ nhất, TPP mở rộng sự lựa chọn của doanh nghiệp trên thị trường, giúp các doanh nghiệp giảm trung gian, chuyển sang mua bán trực tiếp. Doanh nghiệp Việt Nam do phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba, nên thời điểm TPP được ký kết càng tới gần, thì sức ép đổi mới hoạt động, đào tạo nhân lực càng lớn để chuẩn bị làm tốt khâu giao thương, đàm phán trực tiếp với nhà nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội về thị trường, không chỉ tại Mỹ, mà cả chục thị trường còn lại trong TPP.

Thứ hai, TPP tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nhận phản hồi từ khách hàng. Trước đây, các doanh nghiệp chưa thể kết nối trực tiếp, nên khó nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Nay những phản hồi từ khách hàng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp cải thiện sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng để gia tăng hiệu quả xuất khẩu.

Thứ ba, khi có thể xuất khẩu trực tiếp, giảm trung gian, thì lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gia tăng đáng kể, do không mất chi phí cho bên thứ ba. Ngoài ra, việc này còn giúp doanh nghiệp tự chủ hơn trong hoạt động.

Rõ ràng, cơ hội của Việt Nam về mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thuế, đặc biệt với một số ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đã được nhìn thấy khá rõ khi Việt Nam tham gia sân chơi thương mại lớn như TPP.

Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực nhiều để khắc phục những yếu kém, tồn tại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đơn cử, để hưởng các dòng thuế ưu đãi về 0%, các ngành phải đảm bảo tự chủ sản xuất nguyên phụ liệu, như với dệt may là phải đảm bảo từ khâu sản xuất sợi trở đi được thực hiện tại Việt Nam hoặc các nước trong TPP.

Tin liên quan
Tin khác