Trái cây cấp đông của Việt Nam phải đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc |
Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vừa thông báo về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã bổ sung sản phẩm trái cây cấp đông, bảo quản lạnh vào danh mục sản phẩm phải đăng ký bởi cơ quan chức năng Việt Nam.
Nhóm mặt hàng này được giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và đăng ký doanh nghiệp.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết đã có công văn gửi đến Cục Bảo vệ thực vật đề nghị phối hợp, triển khai thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp.
18 loại thực phẩm này gồm: Thịt và các sản phẩm từ thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật (dùng làm vỏ xúc xích); sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước, đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và ca cao chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng).
Tính đến ngày 7/3, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.853 mã số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid", cộng với việc siết chặt tiêu chuẩn hàng hóa nông sản nhập khẩu đã khiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý, có 8/11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.
Trong đó, gạo giảm tới 51%, rau quả giảm 26%, hạt điều giảm 68,5%, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 11,2%, chè giảm 87,6%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14,9%, mây tre cói thảm giảm 20,8%, cà phê giảm 37,1%.
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã gửi công điện tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối là Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), từ nay sẽ tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách và gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc.
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ là đầu mối để tổng hợp thông tin từ các Bộ gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc về thông tin đăng ký doanh nghiệp và quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này, nhằm đáp ứng quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của nước này.
Trước những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua khi thực thi lệnh 248, 249, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng đề nghị các Bộ rà soát lại các doanh nghiệp và các mã sản phẩm đã đăng ký nhưng chưa được cấp mã, để cùng phối hợp tháo gỡ.