Vải thiều đang vào vụ thu hoạch. |
Doanh nghiệp hối hả xuất hàng
Nhiều loại nông sản, như vải thiều, xoài… bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ, nên các doanh nghiệp đang dồn lực tìm khách hàng, thị trường để xuất khẩu. Các bộ, ngành cũng điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hóa, cấp C/O nhanh nhất cho nông sản xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group
Ngày 23/5, những lô vải thiều xuất khẩu đầu tiên trong niên vụ 2021 của Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Sunrise Farm (Nhật Bản) và Công ty cổ phẩn Ameii Việt Nam. 3 ngày sau đó, lô hàng 20 tấn vải của Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu tiếp tục lên đường sang Nhật Bản.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Ameii Việt Nam cho biết, thời gian này, doanh nghiệp đang rất bận rộn với hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh thị trường Nhật Bản, Ameii Việt Nam cũng đang căng mình xử lý các công đoạn để xuất vải thiều cùng nhiều nông sản sang Singapore, Australia.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản, sau khi ra mắt lần đầu tiên tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, vải thiều Việt Nam đã tạo được tiếng vang. Sau một năm xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, trong niên vụ 2021, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đã lên kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang thị trường này.
Niềm tin của phía Nhật Bản với vải thiều nhập từ Việt Nam ngày càng được củng cố. Năm nay, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện giám sát việc khử trùng vải thiều xuất khẩu. Điều này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Không riêng vải thiều, xuất khẩu các loại trái cây, rau củ chủ lực như thanh long, xoài, chuối, mít, dưa hấu, ớt, cà rốt, tỏi… trong 5 tháng đầu năm cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Thanh long trái vụ, dứa được mùa, được giá đã đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung toàn ngành.
Có thể thấy, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cả ở trong nước và nhiều thị trường nhập khẩu, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng qua vẫn có nhiều khởi sắc. Theo thống kê của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 1,75 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Dồn lực xuất khẩu
Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, năm 2018 - 2019, ngành rau quả đóng góp bình quân 3,8 tỷ USD/năm vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả sụt giảm (còn 3,27 tỷ USD), nhưng bước sang những tháng đầu năm 2021 đã sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Để có được kết quả này, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu tại những thị trường lớn đang được ngành công thương, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài thực hiện qua các nền tảng số.
Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ở Hải Dương tổ chức vào ngày 18/5, với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam và thương vụ Việt Nam ở nhiều thị trường lớn, Vina T&T Group đã ký được hợp đồng xuất khẩu lớn cho đối tác EU.
“Chúng tôi cảm ơn Cục Xúc tiến thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã kết nối, giới thiệu Vina T&T đến các đối tác EU để xuất khẩu được trái cây cho khách hàng ở thị trường khó tính ngay giữa cao điểm dịch”, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T bày tỏ.
Cùng với những nỗ lực đưa rau quả xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, ngay lúc này, hoạt động khơi thông các thủ tục xuất khẩu, tìm đầu ra cho vải thiều đã đến kỳ thu hoạch tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương càng phải được đẩy nhanh.
Với sản lượng 235.000 tấn (trong đó, Bắc Giang: 180.000 tấn, Hải Dương: 55.000 tấn), nhiều hơn 15.000 tấn so với năm 2020, áp lực tiêu thụ vải thiều niên vụ 2021 là không nhỏ, bởi thời gian thu hoạch loại quả này chỉ kéo dài từ khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 7.
Với mục tiêu xuất khẩu trên 100.000 tấn vải thiều trong năm 2021, rất cần sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành cùng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương vừa yêu cầu các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu địa phương cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) sớm nhất cho nông sản xuất khẩu, nhất là quả vải Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch.
Đồng thời, để tạo điều kiện đẩy nhanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh có đường biên giới với phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản xuất khẩu, ưu tiên thông quan luồng xanh với vải xuất khẩu và giãn nhịp độ đưa hàng lên biên giới để phù hợp năng lực thông quan của các cửa khẩu, tránh phát sinh ùn ứ.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!