Đầu tư và cuộc sống
Trải lòng của trung tướng Hữu Ước về nghề làm báo
Tôi cảm thấy rất hài lòng bởi tôi làm Tổng Biên tập đã 17 năm (từ 1996) - như vậy là đã quá dài và có phần xấu hổ vì làm lâu quá >>>
TIN LIÊN QUAN

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng – Bộ Công an, Tổng Biên tập truyền hình Công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập báo Công an nhân dân thẳng thắn bày tỏ như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên.

Biết ngồi trên vai người anh hùng!

Đến thời điểm này, sau vài tháng không còn gánh trên vai những tờ báo của ngành Công an với vai trò Tổng Biên tập, ông cảm nhận thế nào?

Trước hết tôi cảm thấy rất hài lòng bởi tôi làm Tổng Biên tập đã 17 năm (từ 1996) - như vậy là đã quá dài và có phần xấu hổ vì làm lâu quá (cười). Khi bàn giao hệ thống báo viết cho các anh em trẻ tôi rất vui, rất thanh thản vì tôi đã làm được tất cả những gì mà tôi có thể làm. Nhìn lại, anh em cán bộ, chiến sĩ đều được cấp nhà, có lương cao, nhuận bút cao, được nâng lương, đề bạt, cất nhắc đầy đủ cả… và nhất là được thả sức làm nghề.

Với 17 năm làm Tổng Biên tập, có thể coi ông là một Tổng Biên tập “trường thọ”. Vậy nếu nói về tố chất của một Tổng Biên tập, ông muốn đề cập đến những điều gì?

Trước hết người làm Tổng Biên tập một tờ báo, có thể người nào cũng tâm huyết nhưng nhất thiết phải có 3 yếu tố. Trước hết phải có tài, thứ 2 phải có tầm vì trong lúc cạnh tranh như thế này không có tầm không làm được và thứ 3 là phải có tâm.

Còn cái “uy” của người đứng đầu một tòa soạn?

Để có cái uy của Tổng Biên tập, trước hết anh phải phải biết chiêu hiền đãi sĩ, biết tận dụng người tài, biết ngồi trên vai những người anh hùng và phải “kích động” để luôn thổi ngọn lửa nghề với cán bộ chủ chốt, tạo cho họ một sân chơi.

Thành công của ông cũng gắn với sự đóng góp của nhiều cấp dưới rất tài hoa mà người ta thường nhắc tới những tên tuổi như Nguyễn Như Phong, Hồng Thanh Quang… ?

Đúng là anh Phong, anh Quang rất giỏi nhưng bên tôi còn nhiều người tài lắm. Tôi luôn tìm ra được những cây bút rất tốt, có bản sắc, có thể kể đến Hồng Nam, Như Bình, Hồng Thái, Lưu Vinh, Hữu Toàn, Ngô Nguyệt Hữu… và nhiều cố vấn của tôi cũng rất giỏi… Có lẽ đây là nơi tôi thể hiện được rất nhiều và đào tạo được nhiều nhân lực tốt.

Trung tướng Hữu Ước: Làm Tổng Biên tập có quá nhiều cạm bẫy

Có một cấp dưới của ông đã nói rằng, Hữu Ước là người có thể đứng ở mép nước mà không bị ướt chân. Điều này ông có thấy đúng không?

Nói thế cũng không chuẩn vì tôi ướt chân nhiều, quá nhiều chứ. Tôi làm Tổng Biên tập 17 năm nhưng quá thăng trầm, không dưới 5 - 7 lần sắp bị cách chức, bị mất sao. Có những lúc thậm chí tôi còn “sém” tù nữa...

Làm Tổng Biên tập có quá nhiều cạm bẫy, thường đứng trên dây và bên dưới là vực thẳm. Cuộc đời tôi đã nhiều lần cảm giác như là mất chức rồi nhưng do người thủ trưởng, ông Bộ trưởng quá tuyệt vời, mình giải thích các cụ lại thông cảm và tha, mà có khi lỗi không phải của mình.

Đấu tranh chống tiêu cực nhiều là xác định đứng trên gươm giáo. Trong tất cả những thời điểm khó khăn như vậy, tôi lại là người anh hùng - tôi tự động viên mình đã là anh hùng thì phải biết bước trên gươm giáo, biết chấp nhận.

Trở lại câu chuyện về cái “uy”, chúng tôi được nghe một người bạn từng làm việc tại báo Công an nhân dân “rỉ tai” rằng, có phóng viên “hãi” ông đến mức, một lần biết ông đến trụ sở đã trốn trong nhà vệ sinh không ra ngoài vì ngại giáp mặt?

Đến các phó cũng sợ tôi, không cứ gì phóng viên. Không hiểu sao đứng trước tôi họ đều “rét run rét rế” thế, dù tôi rất yêu thương, trân trọng họ (cười). Tôi rất trân trọng lòng tốt và tài năng…

Nhưng đúng là tôi cũng rất nghiêm túc, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Tôi quan điểm tòa báo là một căn phòng không có cửa, ai thích vào tôi cho vào còn vào rồi, ai không muốn, không chịu được thì đi ra. Có những người tôi lột lon, cách chức, rất nhiều người vào rồi ra nhưng ai gặp tôi cũng chào từ xa, đều tâm phục khẩu phục.

Đi tù vẫn thấy mình… oách!

Sau vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, nhà báo Nguyễn Như Phong có nhắc lại vụ việc của ông vào năm 1985?

Thực ra tôi cũng phê bình anh Phong mặc dù tôi rất yêu mến Phong. Không phải là tôi sợ gì cả mà không thể từ vụ án của anh Chấn liên hệ với tôi được, 2 việc này hoàn toàn khác nhau. Kể cả là tôi bị oan khuất nhưng quan điểm của tôi là đất nước nào, dân tộc nào, dù có văn minh đến đâu cũng vẫn có lúc có người bị oan khuất, cũng có lúc không công bằng. Việc đó không rơi vào người này thì rơi vào người khác, mình đen thì rơi vào mình thôi. Vậy nên khi vào tù, đau đớn thì đúng là rất đau đớn nhưng tôi không cay đắng gì cả. Không sao cả, ra ngoài mình lại chiến đấu. Mình xem như vận hạn.

Nhưng thông tin về chuyện ông Chấn nổ ra thời điểm đó có làm ông ngẫm đến mình?

Đừng bàn việc ông Chấn vào chuyện của tôi. Việc của tôi xuất phát từ quan điểm, tư tưởng, cách nhìn nhận về một vấn đề. Ví dụ trước đây nếu viết về một anh công an xấu thì người ta có thể cho đó là viết về cả ngành công an. Ngày đó, 5 năm tôi lên 4 cấp bậc, tôi là Trưởng phòng trẻ nhất Bộ Công an, Đại úy trẻ nhất Bộ mà lại cho đi viết phê bình về một việc sai trái ở một đơn vị Công an. Bây giờ việc đó không có chuyện gì cả, nếu đã sai thì xử người sai đó nhưng thời của tôi không thể như thế được. Vì thế mà tôi đi tù. Đi tù nhưng vẫn thấy mình oách, mình trong sáng.

Còn việc anh Chấn là khác hẳn, là việc một người bị kết tội vì cơ quan tố tụng làm không chuẩn.

Trung tướng Hữu Ước: "Thời của tôi nó khác"

Còn nữa, khi tôi quay lại thì ngành Công an, bộ phận tổ chức rất tốt, nhiều người đối xử với tôi rất tốt. Ví dụ đồng chí Tổng Cục trưởng của tôi được Bộ trưởng gọi lên hỏi vì sao phục hồi cho Hữu Ước, cậu ấy không có lỗi à? Anh ấy chỉ nói rất đơn giản: “Nó còn trẻ, thế Bộ trưởng không cho nó làm lại cuộc đời à?”… Không có một ông Tổng Cục trưởng như vậy thì làm sao tôi có ngày hôm nay.

Thỉnh thoảng ông vẫn mơ về những bữa cơm trộn cát, những lần đánh nhau trong tù?

Chuyện cơm trộn cát cũng là mang tính tích cực đấy chứ. Khi đó ở trong tù mình rất đau đớn, một ngày quá dài, nghĩ nhiều mất ngủ, đêm cứ hay phải đập đầu vào tường cho tê đi để ngủ được. Vậy thì để cho đỡ phải nghĩ, họ trộn cát sỏi vào cơm để cho một ngày, khi 8 giờ, 9 giờ được chia cơm thì phải ngồi nhặt đến 11 giờ mới có cái ăn, đỡ phải nghĩ, lỡ không điên.

Ông cũng đã “xí xóa” cho những người đã gây án oan cho ông?

Tất cả những người đó sau này có con cháu vào nghề tôi đều nhận về báo hết vì đó đều không phải là những người xấu. Tư duy lúc đó như vậy, hai nữa là họ bị những kẻ “phiên dịch tiếng Việt ra tiếng Việt” – những kẻ bơm xấu, tố đểu chứ bản thân họ đều là những người tốt. Tôi rất vui khi người đóng vai trò quyết định để bắt tôi nhưng khi tôi được phong “anh hùng lao động”, được phong Tướng, chú ấy là người đầu tiên gửi hoa tặng tôi.

Nhưng người ta còn nói đến những khúc quanh nữa của ông. Ông có thể bật mí thêm?

Đừng khai thác, đừng mơi những chỗ đó nữa, mình còn để… viết tiểu thuyết.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan
Tin khác