Chuyển đổi số - Kinh tế số
Trảm việc kiếm tiền từ nội dung độc hại trên Internet: Khó, nhưng cương quyết làm
Hữu Tuấn - 15/03/2021 08:29
Vụ việc kênh Thơ Nguyễn đăng tải video có nội dung xấu, độc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo. Để ngăn chặn, ngoài sự quyết liệt của cơ quan quản lý, cần có sự chung tay của cộng đồng…
Kênh Thơ Nguyễn đăng tải video có nội dung xấu, độc nhằm mục đích câu view kiếm tiền.

Càng độc hại, nhảm nhí, nguy hiểm, càng kiếm nhiều tiền

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến kênh TikTok của Thơ Nguyễn đăng tải nội dung xấu, độc, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục đã làm việc và yêu cầu TikTok, YouTube (Google) chặn, dừng, gỡ các nội dung là video nhạy cảm, không phù hợp, xấu, độc của Thơ Nguyễn.

Trước đó, ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đã đăng 2 clip trên TikTok về búp bê Kumanthong do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ” nên quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”. Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và nhận được nhiều phản ứng dữ dội. Trên mạng xã hội, diễn đàn Internet, đã xuất hiện làn sóng chỉ trích, kêu gọi tẩy chay các kênh của Thơ Nguyễn.

Nổi tiếng nhiều năm nay với các video dành cho đối tượng trẻ em với hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, theo số liệu từ Social Blade, kênh YouTube của Thơ Nguyễn có thể đạt thu nhập gần 600 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện của Thơ Nguyễn không hiếm trên thị trường kiếm tiền online từ sản xuất nội dung TikTok, YouTube tại Việt Nam. Kênh càng nhiều người xem và theo dõi, thì càng kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, để thu hút người dùng, các YouTuber, TikToker (chủ tài khoản trên YouTube, TikTok) đã sản xuất các nội dung độc hại, nhảm nhí, phản cảm.

Năm 2017, Thơ Nguyễn từng đăng tải clip “làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” bị chỉ trích là phản cảm. Cuối năm 2020, kênh YouTube Hưng Vlog đăng tải nội dung trộm heo đất của em, hay trước đó là nấu cháo gà nguyên lông, bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt kênh khác như NTN Vlogs với các nội dung không lành mạnh: “đóng giả khủng bố IS để quăng bom”, thả 100 con dao nhọn từ trên cao xuống đất…; kênh PHD Troll với nhiều clip phản cảm, lãng phí như đổ 200 quả trứng vào đầu người lạ, gọi quỷ đêm khuya, ăn sống cua hoàng đế...; kênh ẩm thực Tam Mao làm thịt chim lạ, ngược đãi động vật, nấu cháo gà nguyên lông…; Prank HD chia sẻ các nội dung giật gân như “hút thuốc lá bằng mũi”, “24h sống trong quan tài”...

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên các nền tảng; trong đó, 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Đến cuối năm 2020, Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã hợp tác với YouTube để ngăn chặn và xử lý các kênh đăng tải video vi phạm thuần phong mỹ tục, hạn chế bật chức năng kiếm tiền của những nội dung nhảm nhí. Theo đó, 29.009 video vi phạm pháp luật đã bị gỡ bỏ, hàng ngàn video có nội dung không phù hợp khác bị xóa khỏi nền tảng. Facebook cũng đã gỡ 2.311 bài viết và 330 fanpage về quảng cáo game, cờ bạc, đổi thưởng cùng 2.200 link quảng cáo hoạt động buôn bán, dịch vụ bất hợp pháp.

Song, với lợi nhuận khổng lồ, số lượng kênh kiếm tiền lớn, nên công tác rà soát, ngăn chặn, xử lý vi phạm của 15.000 kênh kiếm tiền này rất khó khăn, đòi hỏi giải pháp đồng bộ.

Chặn bằng cách nào?

Đề cập tình trạng xuất hiện nhiều clip, video độc hại trên nền tảng YouTube thời gian gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã đạt được thỏa thuận với YouTube. Theo đó, cơ quan chức năng Việt Nam thông báo có kênh vi phạm pháp luật, thì nền tảng này sẽ dừng việc ăn chia tiền quảng cáo. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc.

“Việc này rất khó, nhưng cương quyết làm, sẽ phải làm rất nghiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Còn theo lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục sẽ đề nghị Google chặn, khóa tài khoản các kênh thường xuyên có nội dung độc hại hoặc có thể không trả tiền quảng cáo cho những kênh đó.

“Các vị phụ huynh nếu thấy những nội dung không phù hợp, cần có bộ lọc trước khi cho con em tiếp xúc..”, ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo.

Có thể thấy, việc phạt tiền, phạt hành chính hay ngăn chặn các kênh chỉ có thể hạn chế được phần nào vấn nạn này. Vì lợi nhuận, những người làm nội dung sẽ tìm cách lách luật, đưa những nội dung của mình tiệm cận vào mức độ bị phạt, bị cấm.

Cách làm đơn giản, hiệu quả nhất là người xem khi thấy kênh, nội dung xấu, độc, nên lập tức bấm nút report (báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube). Nếu nhiều người cùng report, kiên quyết không theo dõi trang thường xuyên chia sẻ nội dung thiếu lành mạnh, sẽ tạo ra làn sóng phản đối và chắc chắn các nội dung đó sẽ sớm biến mất. Sử dụng sức mạnh cộng đồng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để loại bỏ khỏi môi trường mạng những video, tài khoản mạng sản xuất, lan truyền thông tin, nội dung nhảm nhí, độc hại.

“Chúng ta phải nhằm thẳng vào Facebook, TikTok, YouTube - những nhà mạng phổ biến, yêu cầu họ phải có trách nhiệm bảo vệ người dùng, bảo vệ trẻ em. Mục đích chính trong tất cả các chiêu trò trên mạng là kiếm tiền bằng câu view, câu like. Chúng ta cần phát động các chiến dịch ‘báo xấu’. Khi cộng đồng mạng, các bậc phụ huynh chung tay ‘báo xấu’ liên tục, các video xấu, độc sẽ không còn đất sống. Về lâu dài, pháp luật cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn để xử lý những trường hợp vi phạm”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nói. Theo ông Nam, để dẹp vấn nạn này, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều clip, video độc hại trên nền tảng YouTube, ảnh hưởng tới tâm lý, thậm chí tính mạng của trẻ em.

Vào tháng 10/2020, bé gái D. (5 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) đã dùng vải voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ, tự treo cổ mình theo trò chơi trên YouTube dẫn đến tử vong đã gây rúng động dư luận.

Tin liên quan
Tin khác