Đầu tư và cuộc sống
Trần Anh Tuấn, Nhà sáng lập Chương trình Trải nghiệm thiên nhiên: Hạnh phúc được đưa trẻ em “chạm” vào thiên nhiên
Phương Linh - 12/02/2024 08:12
Với khát vọng lan tỏa tình yêu thiên nhiên, tình yêu rừng tới mọi người, đặc biệt là các bạn nhỏ, Trần Anh Tuấn, nhà sáng lập Chương trình Trải nghiệm thiên nhiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững đã “gồng mình” vượt qua mọi khó khăn để có thể đưa các bạn nhỏ “chạm” vào thiên nhiên bằng tất cả giác quan.
Trần Anh Tuấn, Nhà sáng lập Chương trình Trải nghiệm thiên nhiên.

Ấp ủ từ tình yêu thiên nhiên bất tận

Gặp Anh Tuấn, tôi ấn tượng với chàng trai có thân hình rắn rỏi, gương mặt sáng, giọng nói trầm ấm đậm chất xứ Nghệ. Suốt cuộc trò chuyện, tôi bị lôi cuốn bởi những câu chuyện về các loài động vật, về cây, về núi, về những khu rừng của anh.

Khi còn là sinh viên, Anh Tuấn vừa học vừa nghiên cứu, làm rất nhiều dự án về sinh học, nông nghiệp, sinh kế; quan tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, tác động của con người lên các hệ sinh thái...  Chính trong những dịp đi thực tế, nghiên cứu ấy, anh có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên và con người, đặc biệt là bạn nhỏ đầy sức sống ở những bản làng xa xôi. 

“Tôi thấy các em rất hay cười. Tan học, các bạn hòa mình vào thiên nhiên, chơi dưới tán cây, chơi bập bênh bằng những cây gỗ mộc mạc bên đường… Tôi nhận ra rằng, có thể sự tươi vui ấy là do các em được gắn bó, hòa mình với thiên nhiên”, Anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, ở dưới xuôi, trẻ em có cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng thiếu một thứ rất “nguyên bản”, đó là hiểu biết về tự nhiên, không có được không khí, hơi thở của thiên nhiên. Quá trình đô thị hóa và nhịp sống hối hả khiến các bạn nhỏ dần mất đi sự kết nối với thiên nhiên.

“Cha mẹ nào cũng yêu thương, sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc cho con về học hành, nhưng không mấy người muốn “đầu tư” vào việc trải nghiệm thiên nhiên. Hầu hết phụ huynh ở đô thị còn tâm lý e ngại rằng, nơi rừng rú, hoang dã thì không an toàn cho con trẻ. Hơn nữa, hiểu biết về thiên nhiên vẫn là cái gì đó xa xôi, chưa thực sự sát sườn. Do đó, các bạn nhỏ ngày càng bị ‘khuyết’ đi nguồn hiểu biết cần thiết và quý giá về thiên nhiên tươi đẹp, trù phú của đất nước”, Anh Tuấn bày tỏ.

Suốt 3 tháng “bỏ phố về rừng”

Trong đợt dịch Covid-19, Trần Tuấn Anh đã “bỏ phố về rừng” suốt 3 tháng để có thể cho học sinh tiếp cận thiên nhiên, động vật qua màn ảnh. “Rất may mắn, vợ tôi là người cùng ngành và đã đồng hành cùng tôi từ những ngày đầu tiên thành lập, nên rất hiểu tính chất công việc của tôi. Có được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía gia đình cũng khiến tôi an tâm và tinh thần thoải mái để tập trung vào công việc”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh ấp ủ về Chương trình Trải nghiệm thiên nhiên (Nature Expedition) từ hồi đó, với mong muốn các bạn nhỏ có thêm tri thức cuộc sống, nhất là về thiên nhiên. Năm 2015, anh mạnh dạn chia sẻ niềm đam mê và định hướng của mình với các bạn trẻ chung tình yêu khoa học, yêu rừng để tìm “đồng đội”.

Tiếp đó, anh tìm cách thuyết phục các bậc phụ huynh đồng ý cho con em họ ra ngoài, tiếp xúc, khám phá thiên nhiên trong những khu rừng. Từ đó, Nature Expedition được thành lập, quy tụ nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên, đam mê, nhiệt huyết, hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận.

Lý giải về cái tên “Trải nghiệm thiên nhiên”, Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi coi các bạn học sinh như những ‘trang giấy trắng’ và đến với Nature Expedition chỉ cần mang một tâm hồn đẹp để trải nghiệm, các thầy cô là người vẽ ra những bức tranh tươi đẹp, dẫn dắt, đưa các bạn vào rừng, cho các bạn khám phá rất nhiều thứ mà ở trường học chưa từng được thấy, được chạm”.

Mặc dù vậy, thực tế có vẻ “phũ phàng” hơn một chút, các hoạt động trong khuôn khổ của Nature Expedition mang tính chất chinh phục, thử thách nhiều hơn là trải nghiệm, đòi hỏi các học sinh phải vượt qua những nỗi sợ của bản thân. Chính vì thế, để giảm bớt áp lực của họ khi tham gia, Anh Tuấn cùng các cộng sự đã đặt tên chương trình là “Trải nghiệm thiên nhiên”, thay vì “Chinh phục thiên nhiên”.

“Trải nghiệm thiên nhiên” không đơn thuần là đưa học sinh đến với rừng theo hình thức du lịch, mà lựa chọn hướng giáo dục phát triển bền vững, trải nghiệm thiên nhiên vừa an toàn, thú vị, vừa có chiều sâu khoa học và lộ trình dài hạn.

Trải nghiệm “về rừng” của học sinh.      Ảnh: NVCC

Những bước chân không mỏi

Anh Tuấn cho biết, điều khó nhất đối với một đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực này là phải đảm bảo mỗi chuyến đi là một hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa, thú vị, hấp dẫn, nhưng phải an toàn. Anh cùng ekip phải chuẩn bị chu đáo, chi tiết và luôn có phương án dự phòng.

“Những ngày đầu, gia đình, bạn bè và chính những người tham gia Nature Expedition cũng chưa hiểu hết về hoạt động này. Lúc ấy, chúng tôi tự nhủ rằng, phải thật cố gắng để chứng minh thiên nhiên Việt Nam vô cùng tuyệt đẹp, phong phú, đầy những bất ngờ, chỉ chờ chúng ta khám phá và tất cả những gì mình làm đều mang lợi lợi ích chung cho cả con người lẫn thiên nhiên”, Anh Tuấn bộc bạch.

Khi mới thành lập, có khi đến 3 tháng trời Nature Expedition mới tổ chức được một chương trình trải nghiệm, lúc ấy cũng áp lực, stress. Nhưng những nỗ lực cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Có những giai đoạn cao điểm, như tháng 10/2023, Anh Tuấn đã “chinh chiến” cùng đội ngũ nhân sự trong 26/30 ngày tại các khu rừng từ Bắc chí Nam. Nếu không phải là một người yêu nghề và thực sự có niềm đam mê bất tận với thiên nhiên thì có lẽ không thể làm được điều đó.

Nature Expedition thiết kế chương trình theo hướng tăng dần về thời gian và nội dung trải nghiệm, vừa đi vừa dừng, vừa tìm kiếm, khám phá. Trong khoảng 3 năm, một đoàn có thể đi khoảng 10 - 15 chuyến.

Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng Anh Tuấn và các cộng sự vẫn mong muốn làm được nhiều hơn nữa, góp một phần sức lực nhỏ bé để gắn kết cộng đồng với thiên nhiên, đồng hành cùng các bạn nhỏ xuyên suốt hành trình lớn lên qua các hoạt động trải nghiệm.

- Trần Anh Tuấn tốt nghiệp thạc sỹ ngành sinh học, chuyên ngành sinh thái học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).


- Trong tương lai, Anh Tuấn sẽ nhân rộng mô hình Nature Expedition ra toàn quốc, đồng thời hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển giao tới nhiều đơn vị.

Sau 8 năm hoạt động, Nature Expedition đã “cứng cáp” hơn trước rất nhiều. Trải qua hơn 400 chương trình trải nghiệm, với hơn 12.000 lượt học sinh và 6.000 lượt phụ huynh tham gia, Anh Tuấn trở nên gắn bó, hiểu được suy nghĩ, những tìm tòi, băn khoăn, tình yêu thiên nhiên của các bạn nhỏ. Và thú vị là, ngay cả những câu chuyện thầm kín, khó nói mà chính phụ huynh cũng không hề biết, thì các bạn lại có thể tâm sự rất cởi mở với “thầy” Tuấn.

“Có những bạn học sinh đã đi đến 15 - 20 chương trình, có những bạn đi cùng chương trình từ năm còn học lớp 1, đến giờ đã học lớp 8 mà vẫn rất thích tham gia. Đương nhiên mức độ khó của chương trình cũng sẽ tăng dần theo từng độ tuổi, nhưng dù thử thách có khó khăn đến nhường nào đi chăng nữa, các bạn vẫn sẽ vượt qua”, Anh Tuấn tự hào nói.

Có được điều đó, Trần Anh Tuấn không quên nhắc tới đội ngũ nhân sự đồng hành với Nature Expedition suốt những năm qua với sự tự hào. Họ chính là những nhà khoa học trẻ năng động, nhiệt huyết, dám dấn thân, có tình yêu thiên nhiên và tình yêu con trẻ, có chung tầm nhìn hướng tới phát triển bền vững.

Đến nay, hoạt động trải nghiệm thiên nhiên đã có ở hầu hết các địa phương trên cả nước với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng Anh Tuấn vẫn cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, cách đi của mình, khi mỗi ngày lại có thêm nhiều bạn nhỏ được đến gần thiên nhiên hơn, hiểu và ngày càng yêu thiên nhiên hơn.

“Các bạn học sinh chính là người truyền cảm hứng cho tôi. Tôi thích ngắm nhìn các bạn nhỏ vui cười dưới ánh nắng le lói của lá cây, tò mò trước những sinh vật lạ, đôi khi cãi nhau vẩn vơ chuyện gì đó về thiên nhiên, hay cả những câu hỏi vượt xa nhận thức của tôi, rồi trở thành vấn đề cần được nghiên cứu, giải đáp ở một dự án khác. Chứng kiến sự trưởng thành của các bạn nhỏ đã đồng hành cùng với Nature Expedition, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui mừng, bởi đó là những đóng góp nhỏ bé của chúng tôi, như xây từng viên gạch để tạo nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững”, Anh Tuấn bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác