Du lịch
Du lịch chữa lành: Xu hướng mới, trải nghiệm mới
Linh nguyễn - 03/02/2024 07:58
Trước guồng quay hối hả với nhiều áp lực trong cuộc sống, con người ngày càng có nhu cầu được trải nghiệm những chuyến đi giúp lấy lại sự cân bằng về tinh thần và thể chất. Đó là lý do du lịch chữa lành trở thành xu thế.
Du lịch chữa lành được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe

Đáp ứng nhu cầu về tinh thần và sức khỏe

Tại tọa đàm “Quốc gia hạnh phúc - vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành”, vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, một trong các giải pháp giúp cải thiện chỉ số hạnh phúc của người Việt là phát triển các tour du lịch chữa lành.

Về cơ bản, du lịch chữa lành là loại hình du lịch được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng...

Thay vì vi vu khắp các cung đường đẹp, trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị ở công viên giải trí..., du lịch chữa lành hướng đến các dịch vụ mang tính an tĩnh hơn để làm mới cảm xúc, thư giãn tâm hồn, hướng đến những giá trị sống tích cực hơn.

Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), điểm dừng chân của du lịch chữa lành thường là những không gian sở hữu nền tảng thiên nhiên nguyên sơ, hệ sinh thái thực vật phong phú có khả năng mang đến cho du khách sự kết nối thuần khiết với thiên nhiên. Tại đây, du khách được gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, chuyên gia tư vấn để giải tỏa những căng thẳng, tìm kiếm sự phục hồi thân - tâm - trí.

Tại Việt Nam, hiện còn những cách hiểu khác nhau giữa du lịch chữa lành, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch y tế…, nên loại hình này cần được nghiên cứu sâu hơn, nhằm lựa chọn giải pháp phát triển đúng hướng. Đặc biệt, cần có sự phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp chữa lành “thân, tâm, trí”; xây dựng liệu trình, bộ tiêu chí chuẩn hóa dịch vụ, quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước.

-TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe)

Các chuyên gia cho rằng, hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch chữa lành và một số hình thức du lịch khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh..., nhưng du lịch chữa lành thiên nhiều hơn về mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.

Khảo sát của Hiệp hội Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) năm 2022 cho thấy, có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Những con số này đủ khẳng định sức hút cũng như tiềm năng phát triển dồi dào của thị trường du lịch chữa lành.

Tương tự, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), đến hết năm 2022, doanh thu của mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% ngành du lịch thế giới.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình này đã được chú trọng phát triển với sự ra đời của nhiều mô hình sáng tạo, như các tour du lịch kết hợp thiền định, yoga tại Ấn Độ; tour thiền định giữa rừng ở đảo Jeju (Hàn Quốc); các chuyến đi với liệu pháp chữa lành bằng âm nhạc, hội họa, chăm sóc động vật... ở một số nước phương Tây.

Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng, gồm nhiều bãi biển, rừng nguyên sinh, điểm khoáng nóng, bùn nóng trải dài, cùng số lượng chùa, thiền viện đồ sộ, nền y học cổ truyền nổi tiếng..., Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch chữa lành.

Tại Tọa đàm “Du lịch chữa lành - Tiềm năng, cơ hội và giải pháp”, do STDe tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch nước ta cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng khách du lịch, chứ không phải số lượng khách du lịch. Và phát triển du lịch chữa lành chính là hướng đi giúp thu hút du khách chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch”.

Nắm bắt xu hướng này, gần đây, một số hãng lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các sản phẩm du lịch chữa lành nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Mới đây, tỉnh Lào Cai cho ra mắt sản phẩm “Du lịch chữa lành năm 2023”. Lựa chọn sản phẩm này, du khách được trải nghiệm tour du lịch chữa lành kết hợp luyện tập yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe với nhiều lựa chọn: yoga trên danh thắng núi Hàm Rồng; yoga kết hợp các phương pháp trị liệu truyền thống dân tộc Dao đỏ Tả Phìn; yoga và danh thắng ruộng bậc thang…

Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là một trong những địa phương có dư địa rất lớn trong phát triển du lịch chữa lành gắn với cây trồng đặc thù ở địa phương là hoa sen. Với hình ảnh hoa sen, nhiều khu du lịch ở Đồng Tháp rất phù hợp để tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng trong không gian xanh mát; giới thiệu du khách thưởng thức món ăn giàu dinh dưỡng, được chế biến từ sen.

Tuy nhiên, du lịch chữa lành ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu, nên chưa thật sự đa dạng và chuyên nghiệp, đối mặt với nhiều thách thức. TS. Nguyễn Thu Hạnh đánh giá: “Do nhận thức về tầm quan trọng của du lịch chữa lành còn hạn chế, nên loại hình này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành cũng còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, do thiếu liên kết với các chuyên gia y tế, chuyên gia trị liệu tinh thần”.

Ở góc độ khoa học, PGS-TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, cần phải có sự phân định rõ ràng về khái niệm du lịch chữa lành để phân biệt với các loại hình du lịch có nét tương đồng khác.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty Du lịch Khát vọng Việt cho biết, hiện có rất nhiều phương pháp chữa lành được các đơn vị đưa ra, áp dụng những phương pháp khác nhau và hiệu quả cụ thể cũng chưa được kiểm chứng hoàn toàn. Vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch rất giàu tiềm năng này, các cơ quan quản lý về du lịch cần có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể...

Thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan cũng cần có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực du lịch chữa lành cũng như nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động du lịch giàu tiềm năng này.

Tin liên quan
Tin khác