| ||
MB là ngân hàng cổ phần đầu tiên tham gia hạ lãi suất xuống 7%/năm |
Sáng nay (9/5), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chính thức thông báo giảm lãi suất huy động xuống 7%/năm. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và 1 ngân hàng thương mại cổ phần hạ lãi suất huy động xuống mức thấp nhất từ 5-7%/năm.
Làn sóng hạ lãi suất đang diễn ra mạnh mẽ. Sau sự tiên phong của các ngân hàng TMCP quốc doanh, khối ngân hàng TMCP cũng đã vào cuộc với MB tuy mức giảm không sâu bằng khối ngân hàng TMCP quốc doanh.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm khá mạnh. Theo thông báo của BIDV, đồng thời với hạ lãi suất cho vay xuống 6%/năm, ngân hàng này cũng hạ trần lãi suất với 5 lĩnh vực ưu tiên còn 10%/năm (mức cũ là 11%/năm). Lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực thông thường còn 11,0-11,5%năm. Lãi vay trung và dài hạn áp ở mức 11,0-12,0%năm.
Sau động thái hạ lãi suất của một loạt ngân hàng, nhiều chuyên gia dự đoán, NHNN sẽ đưa ra trần lãi suất mới trong thời gian tới. Ngày 7/5, ngân hàng ANZ cũng dự báo, Việt Nam sẽ giảm thêm 1% lãi suất từ nay đến cuối năm.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, hiện đã có cơ sở để giảm thêm lãi suất, song trần lãi suất chỉ giảm thêm được khoảng 0,5%, tối đa là 1% từ nay đến cuối năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Liên Việt cho rằng, lãi suất giảm xuống khoảng 7% vẫn còn tương đối hấp dẫn. Còn nếu giảm quá mức này sẽ phải cực kỳ cân nhắc bởi dòng tiền có thể chảy ra khỏi ngân hàng và đầu tư vào các kênh khác. Chưa kể, hiện hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng bẫy thanh khoản vẫn rình rập bất cứ lúc nào. Do đó, nếu dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống, ngân hàng sẽ sập bẫy thanh khoản. Mối nguy hiểm này còn cao hơn cả nợ xấu.
Dù lãi suất đang trong xu hướng hạ, song TS. Nguyễn Đức Trung, chuyên gia nghiên cứu độc lập (NHNN) cho rằng, tiền vẫn chảy vào ngân hàng vì hiện các kênh đầu tư khác đều khó khăn và nhiều rủi ro. TS. Trung khuyến cáo, người gửi nên chọn gửi kỳ hạn dài để tối đa hóa lợi nhuận.
“Khi lãi suất có xu hướng tăng, bạn chỉ nên gửi tiền và đầu tư các khoản kỳ hạn ngắn. Khi lãi suất có xu hướng giảm thì nên gửi tiền vào các khoản đầu tư trung và dài hạn. Không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cũng làm thế”.
Về dự báo mức trần lãi suất mới, theo TS. Trung, trần lãi suất 7% có thể áp dụng trong trường hợp lạm phát năm nay là 6,97% hoặc 6,6%. Khả năng áp trần lãi suất dưới 7%/năm chỉ nên được cân nhắc khi lạm phát ở mức 6%.
Hà Tâm