Doanh nhân
Trăn trở của "ông chống lao"
Dương Ngân - 28/01/2023 10:05
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung được đồng nghiệp gọi là “ông chống lao”, bởi ông chưa bao giờ ngừng trăn trở và tìm kiếm các giải pháp nhằm mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho bệnh nhân lao.
TIN LIÊN QUAN
Trong hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung quan niệm, phần thưởng lớn nhất của người thầy thuốc chính là người bệnh được chữa khỏi

Biến khát khao thành sức mạnh

Từ khi trở thành bác sĩ đến lúc giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và ngay cả khi đã thôi nhiệm vụ quản lý, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung vẫn luôn khao khát và trăn trở làm sao để bệnh nhân lao được sống mạnh khỏe và hạnh phúc. 

PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, ngay từ nhỏ, ông đã cảm nhận được những khó khăn, vất vả cùng cảm xúc của những chiến sĩ áo trắng khi chứng kiến bố của mình thường xuyên thức trắng đêm chữa bệnh cho người dân, nhất là cứu những người bệnh đã lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Niềm say mê với nghề y đã thấm vào tim và dẫn lối chàng trai Nguyễn Viết Nhung khi ấy thực hiện khát khao thi đỗ Đại học Y Hà Nội. 

Từ khi bước chân vào cổng trường đại học cho đến khi ra trường, về công tác tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ngay cả khi đảm nhận cương vị Giám đốc Bệnh viện, ông chưa bao giờ nguôi đam mê với y học, đặc biệt là công tác phòng chống lao. Nhiều đồng nghiệp của ông cho biết, ông là hình mẫu tiêu biểu truyền cảm hứng cho những cán bộ, y bác sĩ chuyên ngành lao trên cả nước.

Đến nay, trong suốt hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung quan niệm, phần thưởng lớn nhất của người thầy thuốc chính là người bệnh được chữa khỏi. Điều đó khiến ông chưa bao giờ thôi suy nghĩ tìm kiếm các giải pháp, công nghệ mới để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam.

Ông luôn nặng lòng với nỗi lo “bệnh lao là bệnh của người nghèo”, khi thống kê gần đây cho thấy, trong hơn 100.000 người mắc lao, có đến hơn 70% là người nghèo, thời gian điều trị càng lâu thì họ càng gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là căn bệnh được xem là kẻ giết người thầm lặng. Bệnh không chỉ gây ra vấn đề sức khỏe, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các mặt kinh tế, xã hội. Cụ thể, tại Việt Nam, bệnh lao rất phổ biến trong nhóm tuổi 25-54 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi này chiếm đến 70% lao động chính trong xã hội.

26% bệnh nhân lao phải ngừng làm việc hơn 6 tháng, 5% phải bán tài sản, 17% phải đi vay nợ và thu nhập trung bình giảm 25%. Gia đình có người nhà mắc lao nhạy cảm thì chi phí cho quá trình điều trị sẽ mất trung bình 1.068 USD. Con số này tăng gần gấp 4 lần nếu là lao kháng thuốc (4.286 USD).

Nhiều đồng nghiệp của PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, ông là hình mẫu tiêu biểu truyền cảm hứng cho những cán bộ, y - bác sĩ chuyên ngành lao trên cả nước.

Hiện nay, dù đã có thuốc chữa nhưng bệnh lao vẫn cướp đi sinh mệnh của hơn 13.000 người tại Việt Nam mỗi năm. Không như Covid-19, dù ào ạt nhưng chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam khống chế được, bệnh lao diễn ra dai dằng với những hậu quả tàn khốc dù đã tìm được nguyên nhân, có vắc-xin và có phác đồ điều trị.

“Hàng ngày, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều người đau khổ vì mắc lao, thậm chí tử vong vì bệnh lao. Bệnh lao đã có trên 140 năm và đã gây ra nhiều chết chóc, đau thương cho nhân loại. Chính bởi vậy, bản thân những người làm công tác phòng chống lao chúng tôi thường xuyên suy nghĩ làm thế nào để phát hiện sớm, trị tận gốc bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng, hạn chế lao kháng thuốc và chấm dứt tử vong vì bệnh lao. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi dành nhiều tâm huyết để thực hiện Đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tâm sự.

Kể về hành trình nghiên cứu để tạo ra “bom tấn” trong điều trị lao tại Việt Nam, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung nói rằng, trong nghiên cứu này, ông và đồng nghiệp đã triển khai 4 điểm mới về tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư. Với mục tiêu ban đầu là thanh toán tất cả các nguồn lây trong cộng đồng, ông và các tác giả đã chọn Cà Mau (nơi tương đối biệt lập để nghiên cứu, xung quanh chủ yếu là biển) để thiết kế nghiên cứu ACT3 (phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng). Nghiên cứu này đã được thực hiện trong 4 năm và cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là sự tốn kém vì tất cả người dân sẽ được lấy đờm 1 lần/năm, làm xét nghiệm Xpert (xét nghiệm xác định vi khuẩn). Từ đó ông và các tác giả của nhóm nghiên cứu đã phát hiện X quang phổi có thể chụp hàng loạt rất nhanh. Năm 2016, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung đã đề xuất chiến lược 2X (Xquang và Xpert), phát hiện chủ động nhưng sử dụng Xquang để sàng lọc và Xpert để khẳng định bệnh lao.

Một bằng chứng rất rõ rệt khi áp dụng chiến lược mới, tỷ lệ phát hiện bệnh lao tăng lên. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nước ta đã giảm 23% số bệnh nhân lao được phát hiện. Nhưng năm 2022, đã áp dụng trên diện rộng theo chiến lược 2X ở hầu hết các địa phương, ước tính trong 3 quý đầu đạt chỉ tiêu ngang bằng với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Hiện thực hoá khát vọng chấm dứt bệnh lao

Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam” do PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung và 22 đồng tác giả vừa vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6. Chia sẻ niềm vui khi nhận được giải thưởng cao quý này, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung nói rằng, với ông, đây không phải là thành tựu của một người, mà là sản phẩm của cả một chuyên ngành. Thành công của công trình ở chỗ chúng ta không chỉ huy động được sức mạnh của các nhà khoa học trong nước, mà còn huy động được các nhà khoa học lớn trên thế giới như Australia, Mỹ, Hà Lan, Anh.

“Công trình được vinh danh có ý nghĩa lớn trong công tác phòng chống lao tại Việt Nam, là tập hợp sức mạnh hết sức lớn kể cả về mặt trí tuệ, công nghệ của hơn 19.000 cán bộ từ tuyến trung ương đến địa phương”, chủ nhiệm đề tài Nguyễn Viết Nhung nói.

Theo PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung, công trình nghiên cứu do ông và cộng sự tiến hành thu được các kết quả khả quan được xem như một bước ngoặt trong công tác chống lao tại Việt Nam.

Nói tới điều này, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung đã nhớ lại một dấu mốc lịch sử trong công tác phòng chống lao, không chỉ của Việt Nam mà còn cả của thế giới. Theo đó, năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Chiến lược chấm dứt bệnh lao. Ngay sau đó, ông đã được mời tham dự một cuộc họp tham vấn của WHO về chấm dứt bệnh lao, gồm có 90 nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực. Tại cuộc họp, các nhà khoa học đều bày tỏ nghi ngại và băn khoăn về tính khả thi của Chiến lược chấm dứt bệnh lao, chỉ số ít là có niềm tin, trong đó có PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung.

Từ niềm tin ấy, PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung và các đồng nghiệp chống lao trên cả nước đã nỗ lực không mệt mỏi để đi sâu và cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lao. Qua đó, từng bước áp dụng thành công những công nghệ tiên tiến vào điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Trong 5 năm, từ 2015 - 2020, Việt Nam ước tính giảm 34% tỷ lệ tử vong do lao, trong khi toàn cầu chỉ giảm 14% tỷ lệ tử vong. Nếu tính toán theo mô hình này, dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm khoảng 8.781 tỷ đồng, vì đã ngăn ngừa được khoảng 284.000 người mắc lao mới.

Để đến năm 2022, sau khi công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam” được vinh danh, thêm một dấu ấn mới trong ngành lao được thiết lập. Từ đây, sẽ áp dụng phác đồ điều trị lao 4 tháng chứ không phải 24 tháng, 20 tháng, 15 tháng, 12 tháng, 9 tháng như trước kia. Việc rút ngắn thời gian điều trị đã làm tăng khả năng tuân thủ điều trị, giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng sáng tạo phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng và phác đồ có thuốc mới Bedaquiline điều trị siêu kháng thuốc với hiệu quả điều trị cao, tác dụng phụ thấp đã tối ưu hóa các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến, giúp Việt Nam có kết quả điều trị cao hơn trung bình trên thế giới khoảng 15 - 20%. Cụm nghiên cứu này đã cứu sống hàng ngàn người bệnh lao đa kháng, siêu kháng thuốc, trước đây coi như vô phương cứu chữa.

Ngoài ra, việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới, với tỷ lệ giảm là 4,5% mỗi năm tại Việt Nam so với 1,5% mỗi năm trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong năm 2020 đã giảm 34% so với năm 2015, cao hơn mức giảm tử vong do lao trung bình trên toàn cầu trong giai đoạn này là 14%. Dịch tễ lao giảm trong 10 năm qua đã giúp tiết kiệm được 8.781 tỷ đồng, tương đương với ngăn ngừa 284.000 người mắc lao mới nếu không có các biện pháp phòng, chống bệnh.

Từ những thành công nêu trên, theo PGS-TS. Nguyễn Viết Nhung, khát vọng chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn khả thi, tránh được những ca tử vong của hàng chục ngàn người và làm cho hàng trăm ngàn gia đình hạnh phúc.

Tin liên quan
Tin khác