Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận tại Hội nghị "Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình" |
Đô thị di sản - xu thế của thế giới
Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, trong đó có chủ trương: “Thực hiện hợp nhất TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị di sản…”.
Trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt cũng chỉ rõ: “Đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO”.
Đây chính là hướng đi của Ninh Bình nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; Chương trình hành động của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị nền văn minh sông Hồng.
Về định hướng, đảm bảo cơ cấu kinh tế hợp lý, lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, xanh, phục vụ du lịch; công nghiệp ô tô, phụ trợ, công nghệ cao, không để đe dọa đến môi trường sinh thái.
Tại Hội nghị khoa học Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình, do tỉnh Ninh Bình, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, trong vùng Đồng bằng sông Hồng thường chỉ nói đến các đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, còn Ninh Bình ít được nhắc đến. Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ di sản, thì Ninh Bình lại có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt. Di sản chính là động lực, tiềm năng mới để Ninh Bình phát triển đô thị.
Phát biểu kết luận Hội nghị Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định: về chức năng, đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư sẽ phát triển theo hướng đô thị bổ sung chức năng cho các đô thị nén đã phát triển quá ngưỡng, cung cấp các dịch vụ thiếu hụt của đô thị nén, hình thành mạng lưới công nghiệp văn hóa, hệ sinh thái, môi trường; chức năng kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai...
Về định hướng, đảm bảo cơ cấu kinh tế hợp lý, lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, xanh, phục vụ cho du lịch; công nghiệp ô tô, phụ trợ, công nghệ cao, không để đe dọa đến môi trường sinh thái.
Một đô thị không nơi nào có được
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 7 đô thị trung tâm; trong đó 1 đô thị loại I là đô thị di sản thiên niên kỷ.
Các đô thị của tỉnh Ninh Bình được định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng không gian hình thành Cố đô Hoa Lư lịch sử, các di sản văn hóa qua các thời đại, cùng các di sản thiên nhiên để xác định tính chất, chức năng, vai trò, vị trí trong công cuộc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư xứng tầm đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, đô thị di sản trung tâm bao gồm các khu vực lịch sử, khu vực du lịch, khu vực thương mại sáng tạo di sản mới, được phân tách thành các trung tâm độc lập đan xen với các công viên chuyên đề, các quần cư di sản, dân cư, tái định cư.
Cũng trong Hội nghị Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, cơ sở để Ninh Bình xây dựng đô thị di sản - du lịch và phong cảnh là do địa phương sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản độc nhất vô nhị. Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền cảnh di sản văn hóa, lịch sử dân tộc.
TP. Ninh Bình và vùng phụ cận nằm trong vùng văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, kết nối với vùng duyên hải Kim Sơn, Phát Diệm. Nơi đây còn nhiều tiềm năng cho việc kiến tạo một mô hình mới, khác lạ. Đặc biệt, TP. Hoa Lư tương lai là nơi mà lịch sử - thiên nhiên - hiện tại cộng sinh, nơi giúp du khách bồi bổ kiến thức lịch sử, du ngoạn, thưởng lãm hoạt động văn hóa, thể thao, hội hè... mà không nơi nào có được.
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ rõ nội hàm của đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư biểu hiện tại các điểm như: hạ tầng du lịch xanh và công nghiệp di sản - văn hóa; tích tụ và hấp dẫn dân số chất lượng cao đến định cư trong đô thị di sản thiên niên kỷ tương lai; hình thành kinh tế tri thức và kinh tế sáng tạo - nghệ thuật; hình thành công nghệ thực tế ảo phục vụ du lịch di sản thiên nhiên và văn hóa thiên niên kỷ.
Cùng với không gian kiến trúc, cung điện cổ xưa, dấu ấn không phai mờ về lịch sử dân tộc, các công trình nhà cổ truyền thống, không gian sinh hoạt của cư dân kinh đô xưa, cùng bao câu chuyện sinh động về cuộc sống người tiền sử... Tất cả đang hiện hữu, nằm sâu trong lòng Tràng An và được bảo tồn chặt chẽ cùng hệ thống giá trị văn hóa phi vật thể. Sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Ninh Bình xây dựng nên đô thị di sản thiên niên kỷ có một không hai.
Cần cơ chế đủ mạnh và phù hợp
Để phát huy và khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng TP. Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, tỉnh Ninh Bình cần có cơ chế chính sách đủ mạnh và phù hợp. Cũng tại Hội nghị khoa học Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách trụ cột.
Một là, nhóm liên quan đến công tác quy hoạch, nhằm làm rõ sự cần thiết, xác định vai trò, vị trí và tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ của TP. Hoa Lư nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp trên, để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Hai là, nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản.
Ba là, nhóm cơ chế, chính sách tạo ra nguồn lực tập trung về nội dung tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển.
Bốn là, nhóm cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vào xem xét các cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa…
Năm là, nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế chăm sóc sức khỏe…
Ninh Bình với Quần thể danh thắng Tràng An, nhiều năm qua luôn nằm trong top 15 điểm đến hàng đầu thế giới, top 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Hình dung 10, 20, 30 năm nữa, khi trong lòng Tràng An có thêm một đô thị nguy nga và tráng lệ, thì Quần thể Tràng An sẽ càng trở nên đẳng cấp.