Doanh nghiệp
Trang mới của FPT Telecom
Thanh Thủy - 18/07/2025 14:03
Việc hoàn tất bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước được kỳ vọng tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi, quan trọng để FPT Telecom phát triển lớn mạnh hơn dựa trên nền tảng nội lực cùng cơ hội từ thị trường.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng và kiểm soát tốt chi phí, FPT Telecom tăng trưởng “hai chữ số” trong năm 2024 

Điểm sáng trên sàn

Giữa tuần qua, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Công an chính thức được hoàn tất. Toàn bộ 370,7 triệu cổ phiếu FOX của FPT Telecom đã được chuyển giao, tương ứng tỷ lệ sở hữu 50,17% vốn điều lệ. Cổ đông Nhà nước, đại diện là Bộ Công an, là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Tập đoàn FPT là cổ đông lớn thứ hai của Công ty với tỷ lệ nắm giữ 45,7%.

Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 16/7 - thời điểm hoàn tất Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, giá cổ phiếu FOX tăng hơn 5%, lên vùng giá cao nhất trong nửa năm trở lại đây. Đi cùng đó, thanh khoản cũng tích cực với khối lượng giao dịch vọt lên gấp nhiều lần bình quân các tháng gần đây.

Cổ phiếu FOX chính thức giao dịch trên thị trường UPCOM từ đầu năm 2017. Sau hơn 8 năm giao dịch trên sàn, quy mô vốn hóa thị trường của doanh nghiệp ngành viễn thông công nghệ này xấp xỉ 50.000 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, cổ phiếu FOX được giới đầu tư “ưa thích” nhờ chính sách cổ tức đều đặn và ở mức cao, bao gồm cả việc trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng. Dự kiến đến cuối tháng 7/2025, toàn bộ cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 chốt quyền nhận vào ngày 9/6 sẽ về tài khoản của các cổ đông. Đây cũng là đợt phát hành giúp nâng quy mô vốn điều lệ của FPT Telecom từ 4.925 tỷ đồng lên hơn 7.387 tỷ đồng.

Trước đó, từ đầu năm 2025, FPT Telecom đã hoàn tất 2 đợt chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 50%. Kể từ khi lên sàn, tỷ lệ chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu thấp nhất cũng ở mức 20%.

Cơ hội mới

Phát biểu tại lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước hôm 16/7, ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng giám đốc SCIC nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc chuyển giao và khẳng định đây là một chính sách chiến lược đảm bảo về an ninh dữ liệu, an ninh chủ quyền số quốc gia trong thời kỳ mới.

“FPT Telecom là một trong những doanh nghiệp tiên phong về viễn thông và công nghệ ở Việt Nam. Thời gian tới, Công ty sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, quan trọng để phát triển lớn mạnh hơn nữa”, đại diện SCIC nhấn mạnh.

Thời gian tới, các chuyên gia dự báo, tăng trưởng ARPU là khả thi do các nhà cung cấp dịch vụ Internet, bao gồm FPT Telecom, tập trung vào cải thiện chất lượng, thay vì chỉ thuần tăng số lượng thuê bao. Tuy nhiên, triển vọng của dịch vụ Internet vệ tinh dự kiến định hình lại tương lai của ngành viễn thông toàn cầu cũng là một thách thức. Từ góc nhìn của lãnh đạo FPT Telecom, đây không hẳn là sự cạnh tranh, mà có thể mang đến cơ hội hợp tác khi bản thân Công ty chưa kinh doanh mảng này.

FPT Telecom được thành lập năm 1997, với quy mô doanh thu hàng năm và giá trị tài sản mở rộng nhanh chóng sau gần 30 năm hoạt động. Năm 2025, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 19.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024; lợi nhuận trước thuế đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước.

Nếu cán đích mục tiêu trên, FPT Telecom sẽ thiết lập mức kỷ lục mới ở cả hai chỉ tiêu này. Trước đó, năm 2024 cũng là một năm tăng trưởng “hai chữ số” của doanh nghiệp này nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng và kiểm soát tốt chi phí.

Theo chuyên gia phân tích từ SSI Research, những năm qua, FPT Telecom đã thành công trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa quy trình, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới. Về kiểm soát chi phí, Công ty liên tục đàm phán với các nhà cung cấp để tối ưu chi phí đầu vào và những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng đã giúp Công ty hưởng lợi.

Tăng trưởng thuê bao, kiểm soát chi phí tốt hơn cùng việc tiếp tục ứng dụng AI và chuyển đổi số vẫn trở thành động lực tăng trưởng của năm nay.

Mảng kinh doanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất của Công ty hiện là băng rộng cố định (chiếm gần 50% doanh thu). Mảng hoạt động này ghi nhận gần 400.000 thuê bao mới trong năm 2024, nâng tổng thuê bao lên con số khoảng 4 triệu, đứng thứ 3 về thị phần, sau Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định cũng tăng đáng kể và đang cao hơn khoảng 1,5 lần so với trung bình ngành.

Ở mảng dịch vụ Cloud Camera, FPT Telecom đã ra mắt FPT Camera vào năm 2019, cung cấp một dịch vụ tiện lợi, thông minh cho việc giám sát và bảo mật thông tin. Năm 2024 cũng là năm hoạt động kinh doanh sản phẩm này ghi nhận sức bán tốt hơn.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của FPT Telecom xấp xỉ 24.660 tỷ đồng. Bên cạnh lượng tiền gửi ngân hàng dồi dào chiếm một nửa tài sản, doanh nghiệp công nghệ này đã đầu tư mạnh những năm qua.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, lãnh đạo FPT Telecom dự báo, năm 2025 tiếp tục là năm đối diện nhiều thách thức. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trong những năm tới, Công ty dự kiến ngân sách đầu tư năm 2025 là 3.840 tỷ đồng. Trong đó, chi 1.050 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm gồm Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM (500 tỷ đồng), FTEL Tân Thuận (100 tỷ đồng), Trung tâm dữ liệu HN03 (70 tỷ đồng), cùng 2 tuyến cáp quang biển (380 tỷ đồng).

Trong đó, Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã khởi công từ năm 2020 và dự kiến hoàn thiện giai đoạn I để đưa vào đầu tư kinh doanh trong năm nay. Theo chuyên gia phân tích từ SSI Research, dự án này có thể ghi nhận doanh thu từ quý III/2025.

Tin liên quan
Tin khác