Ngân hàng - Bảo hiểm
Tránh bẫy tín dụng đen cuối năm
Vân Linh - 04/11/2015 08:24
Nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân tăng mạnh vào thời điểm cuối năm cũng là cơ hội để tín dụng đen phát triển. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, để tránh rủi ro vay tiêu dùng tín chấp, khách hàng nên thận trọng chọn đơn vị cho vay uy tín.
TIN LIÊN QUAN

Thực tế cho thấy, nhu cầu mua sắm tiêu dùng luôn có, đặc biệt là vào dịp cuối năm, song không phải ai cũng có thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Với những khoản vay nhỏ, nhiều người không muốn và cũng không đủ điều kiện để vào ngân hàng làm thủ tục vay, thậm chí có những người không muốn người khác biết mình đi vay. Vì vậy, dù có mức lãi cắt cổ, nhưng tín dụng đen vẫn phát triển mạnh trong nhiều năm nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho hay, tín dụng đen là “ung nhọt” của xã hội, nhưng cũng phản ánh sự yếu kém của hệ thống pháp luật. Vì vậy, sự ra đời của các công ty tài chính dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước là điều tất yếu và cần thiết cho thị trường.


Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng khẳng định, để phát triển tín dụng tiêu dùng một cách tích cực nhất, thị trường buộc phải có công ty tài chính. Các doanh nghiệp nhỏ không muốn vào ngân hàng vay khoản tiền nhỏ mà thủ tục phức tạp, nên phải tìm đến công ty tài chính, cho dù mức lãi suất vay cao hơn.

“Nhiều người đang nhầm lẫn lãi suất vay vốn tiêu dùng tại công ty tài chính với lãi suất ngân hàng, nên mới so sánh bên thấp, bên cao. Nếu xét đúng nhu cầu, thì lãi vay tại công ty tài chính là không cao so với lãi suất phi ngân hàng. Thế nên, trong câu chuyện vay tiêu dùng, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền trả nợ”, ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng cho rằng, trong cho vay tiêu dùng, có tình trạng nhiều nhân viên bán hàng nôn nóng đạt được chỉ tiêu và không tư vấn kỹ cho khách hàng, nên mới xảy ra những tranh chấp không đáng có. Còn thực tế, lãi suất không phải là yếu tố quyết định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trước đây, nếu vay tín dụng đen, người vay không có chỗ để kiện những người cho vay. Nhưng đến nay, khi công ty tài chính phát triển và chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, việc kiện tụng, tranh chấp bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Ông Minh cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra rất nhiều ràng buộc với tổ chức tín dụng, đòi hỏi họ phải công khai, minh bạch trong niêm yết lãi suất. Còn với tín dụng đen thì lãi suất chỉ được thỏa thuận miệng, không có cơ sở pháp lý. Quy định pháp luật cũng không thấy có cụm từ cho vay trái phép để xử lý tín dụng đen.

Trong khi đó, nhu cầu vốn tiêu dùng tăng trưởng khá nhanh khi cuộc sống của người dân thay đổi. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho thấy, 3 năm qua, tín dụng tiêu dùng tăng gấp 3 lần. Dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối tháng 9/2015 chiếm 6,8% tổng dư nợ (tương đương 80.000 tỷ đồng).

Thường phổ biến 2 hình thức cho vay tiêu dùng là có tài sản đảm bảo thì lãi suất ưu đãi hơn (dư nợ cho vay có tài sản đảm bảo chiếm 17,5% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng) và cho vay tín chấp (chiếm phần lớn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng).

Luật gia Lâm Thanh Tiền (Hội Luật gia TP.HCM) cho biết, khách hàng thường là người thua trong các vụ kiện liên quan đến tín dụng tiêu dùng (40 vụ trong năm 2014). Người vay cần tiền, hạn chế kiến thức, khi nghe tư vấn thì rất thích, nhưng sau đó về suy nghĩ lại thấy lãi suất cao.

TS. Nghĩa cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức phổ biến 35-49%/năm là còn cao. Để khuyến khích người dân vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, các công ty này cần rút gọn thủ tục cho vay, minh bạch hợp đồng cho vay. Các tư vấn viên của công ty tài chính cần tư vấn kỹ các điều khoản vay. Về phần mình, người đi vay cần đọc kỹ hợp đồng, nhất là các điều khoản về phương thức trả nợ và lãi suất cho vay.

Tin liên quan
Tin khác