Cư dân Hà Đô tố Lideco chiếm đất lưu không () Hàng chục hộ dân sinh sống tại tòa nhà N04B2, Khu đô thị Dịch Vọng vừa có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm lấn chiếm đất lưu không khi xây dựng tòa nhà N04B1, gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người. |
Hình ảnh phối cảnh 2 toà tháp N04B1 và N04B2 với khoảng cách khá rộng. Những hình ảnh này được chủ đầu tư dự án giới thiệu khi bán nhà N04B2 năm 2006. |
Theo đơn kiến nghị gửi đến Báo Đầu tư, đại diện cư dân Tòa nhà N04B2 cho biết, chủ đầu tư Dự án N04B1 là CTCP Đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình triển khai, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cư dân Tòa nhà N04B2 lân cận.
Cụ thể, theo phản ánh của cư dân, Dự án N04B1 và N04B2 là 2 tòa nhà độc lập, thuộc 2 chủ đầu tư khác nhau và cách nhau khoảng lưu không rộng đến hơn chục mét (theo đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: QCXDVN01: 2008/BXD).
Cũng theo các cư dân của tòa N04B2, năm 2006, Lideco đã ép cọc Dự án N04B1, theo thiết kế, tòa nhà cao 11 tầng, nhưng Lideco sau đó đã điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao dự án lên 17 tầng, nhưng không hề thông báo, hay lấy ý kiến cộng đồng cư dân nhà N04B2, là những người liên quan trực tiếp đến dự án. Đến đầu năm 2014, Lideco tiến hành triển khai xây dựng dự án N04B1, nhưng không treo biển báo, phối cảnh, cũng như thông tin công trình theo quy định.
“Việc triển khai phần móng công trình tiến sát với móng công trình nhà N04B2, với khoảng cách chưa đầy 2 m là vi phạm QCXDVN01: 2008/BXD. Quy chuẩn này quy định, đối với các dãy nhà cao từ 46 m, khoảng cách đầu hồi của 2 dãy nhà phải đạt 1/3 chiều cao công trình và phải đảm bảo khoảng cách là 15 m. Vi phạm này không chỉ ảnh hưởng chất lượng công trình xây dựng, mà còn vi phạm khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy giữa 2 công trình (theo Quyết định số 21/2006/QĐ-BXD, khoảng cách mặt nhà đối diện ở 2 nhà cao tầng không nhỏ hơn 10 m)”, văn bản kiến nghị của cư dân N04B2 viết.
Nhưng trên thực tế, khoảng cách giữa 2 toà nhà là 1 lối đi rất nhỏ |
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, ngày 28/4/2010, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 35/BXD-KTQH với nội dung, chủ đầu tư có thể giữ nguyên khoảng lùi xây dựng đối với công trình nhà cao tầng N04B1 (5 m với tuyến đường nhánh phía Tây, 3 m với đường nội bộ, bãi đỗ xe và cây xanh phía Bắc). Ngoài ra, việc điều chỉnh phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt và đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và giao thông khu vực.
Liên quan đến việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chiều cao Dự án N04B1, ngày 2/10/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã có văn bản xác nhận phương án kiến trúc sơ bộ của Dự án N04B1 cao 17 tầng + 1 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm với chiều cao 66,4 m. Tuy nhiên, yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ ranh giới, mốc ô đất đang quản lý, sử dụng phải hợp pháp; phải định vị công trình phù hợp với mặt bằng được chấp thuận. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu, việc xây dựng tầng hầm phải không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu hạ tầng các công trình lân cận, đảm bảo quy chuẩn quốc gia về an toàn phòng cháy cho công trình và QCXDVN01: 2008/BXD.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Lideco cho rằng, chủ đầu tư không sai trong việc triển khai Dự án N04B1, Công ty đang triển khai xây dựng theo đúng hồ sơ quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Trong khi đó, trong văn bản trả lời Báo Đầu tư, ông Bùi Mạnh Tiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lại cho rằng, những phản ánh của cư dân nhà N04B2 là không có cơ sở.
“Dự án N04 Khu đô thị Dịch Vọng gồm 2 đơn nguyên có chung khối đế. Trong đó, khối tháp công trình N04B1 và N04B2 cách nhau khoảng 17 m. Căn cứ theo QCXDVN 01:2008, khoảng cách giữa khối đế của 2 tòa nhà N04B1 và N04B2 là đảm bảo”, ông Tiến cho biết.
Còn theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự), trong trường hợp này, rất có thể DN đã triển khai dự án theo đúng phê duyệt được cấp phép. Nếu phê duyệt sai pháp luật hiện hành, thì trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép. Vì vậy, người dân phải có phản ánh đến cơ quan cấp phép xây dựng là Sở Xây dựng, hoặc đơn vị phê duyệt quy hoạch dự án là Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Nếu chưa thỏa mãn với giải thích của các cơ quan này, người dân có thể đưa vấn đề lên Thanh tra Bộ Xây dựng hoặc khởi kiện ra tòa dân sự.
“Nếu phản ánh của người dân về sai phạm của dự án là đúng, nghĩa là dự án vi phạm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, thì đơn vị cấp phép và phê duyệt quy hoạch dự án sẽ phải sửa đổi”, Luật sư Hưng nói.
Trong khi cư dân Tòa nhà N04B2 (Khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chủ đầu tư Dự án N04B1 có sai phạm trong quá trình triển khai dự án này, thì chủ đầu tư và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đại diện cơ quan phê duyệt quy hoạch lại khẳng định mình đúng. Vấn đề rất có thể phải được giải quyết ở cấp cao hơn là Bộ Xây dựng hoặc một vụ kiện dân sự…
(còn tiếp)
Trọng Tuyến (Đầu tư Bất động sản)