Y tế - Sức khỏe
Tránh lạm dụng thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp trong mùa dịch
Ngân Dương - 15/09/2021 07:18
Lạm dụng thức ăn nhanh, đồ hộp sẽ không có lợi cho sức khỏe, nhưng trên thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng ý thức được điều này.

 

Đồ hộp khá tiện lợi cho việc sử dụng, song nếu lạm dụng, thì không tốt cho sức khỏe.

Tác hại vì lượng muối dung nạp lớn

Trong mùa dịch Covid-19, nhiều gia đình có xu hướng tích trữ và sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh. Các chuyên gia không phủ nhận giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này, song cũng cảnh báo, nếu lạm dụng sẽ khá nguy hiểm, vì chúng chứa lượng muối cao, gây ra tác hại xấu với sức khỏe người dùng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho hay, thức ăn nhanh, đồ hộp, mì tôm chứa lượng muối lớn, nếu sử dụng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, đặc biệt là đột qụy và nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, khi cơ thể tiêu thụ lượng muối lớn, hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu sẽ phải tăng cường độ làm việc, có thể dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này, như suy tim, suy thận.

Mới đây, hãng tin Korea Times đưa tin, chất ethylene oxide gây ung thư được tìm thấy trong những thùng mì ăn liền hải sản mang thương hiệu Nongshim's Seafood Ramyun của Hàn Quốc xuất sang thị trường châu Âu.

Mì ăn liền của hãng Nongshim được sử dụng rất phổ biến không chỉ ở thị trường nội địa tại Hàn Quốc (chiếm 50% thị phần) mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ở nước ngoài.

Tại Việt Nam, sản phẩm mì ăn liền mang thương hiệu Nongshim có thể dễ dàng được tìm thấy tại các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi với nhiều mẫu mã và hương vị khác nhau. Hiện chưa có thông tin nào về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm mì ăn liền mang nhãn hiệu Nongshim đang được bày bán tại thị trường Việt Nam.

Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống, nhất là các loại nước ngọt, làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim và xơ gan.

Chưa kể, khi ăn thừa muối, cơ thể sẽ tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi, khoáng chất. Từ đó, có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất các khoáng chất. Với trẻ em, chế độ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc tăng huyết áp cũng như các bệnh khác. Tăng huyết áp ở trẻ em còn để lại hậu quả tăng huyết áp khi trưởng thành cũng như tăng nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp do mắc bệnh sớm, làm thời gian mắc bệnh kéo dài.

Ngoài ra, ăn thừa muối có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng sự phát triển của vi khuẩn helicobacter pylori (HP).

Ngoài việc chứa lượng muối lớn, nếu thực phẩm đóng hộp không được xử lý tốt, sẽ tồn tại vi khuẩn yếm khí clostridium botulinum gây ngộ độc nghiêm trọng khi ăn phải. Thực tế thời gian vừa qua, tình trạng ngộ độc clostridium botulinum đã xảy ra tại KomTum, Bình Dương và đã có ca tử vong.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum, sinh độc tố botulinum.

Không lạm dụng

Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn mang lại giá trị dinh dưỡng, tiện lợi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do vậy, không chuyên gia nào khuyên người tiêu dùng loại bỏ hay ứng xử cực đoan với các sản phẩm này, nhưng cần hạn chế, không nên lạm dụng.

Vụ việc sản phẩm mì ăn liền của hai doanh nghiệp Việt Nam vừa bị Liên minh châu Âu (EU) “tuýt còi” vì chứa chất cấm ethylene oxide (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm tại EU) đã phần nào cho thấy một số lo ngại trong sử dụng thức ăn nhanh hiện nay.

Dù sự việc này chưa có kết luận đầy đủ, doanh nghiệp cũng khẳng định không hề sử dụng ethylene oxide và cho biết, sản phẩm bị thu hồi chỉ bán ở thị trường châu Âu. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng lo ngại, sản phẩm xuất khẩu châu Âu phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt mà còn như vậy, thì tại thị trường Việt Nam sẽ ra sao? Người tiêu dùng có lý do để lo lắng, bởi Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền thuộc tốp 3 thế giới.

Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, theo chuyên gia, mỗi người hãy tự thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, trước hết là việc giảm lượng muối dung nạp vào cơ thể. Nguyên tắc giảm muối là giảm từ từ, không giảm đột ngột, tránh làm ảnh hưởng đến vị giác. Người tiêu dùng nên ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối...

Bên cạnh đó, khi mua đồ hộp về, nên ăn hết ngay sau khi mở nắp. Những hộp đã mở nhưng chưa sử dụng hết cũng không nên dùng lại, vì khi đó, vi khuẩn dễ tấn công gây hư hỏng, làm biến chất thực phẩm và không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, đại diện Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc botulinum; không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng, vì như vậy sẽ gây nguy cơ ngộ độc botulinum rất lớn, do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.

Tin liên quan
Tin khác