Có thể thấy, điểm sửa đổi quan trọng trong Thông tư số 08/2016/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bổ sung quy định về gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt do NHNN vừa ban hành, là trái phiếu đặc biệt được kéo dài thời hạn tối đa lên 10 năm, thay vì 5 năm như trước đây. Điều kiện được gia hạn là các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt dẫn đến chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến của năm đề nghị gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt bị âm.
. |
Nói một cách công bằng, vài năm gần đây, ngân hàng đã rất tích cực xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.
Đặc biệt là năm 2015, thực hiện yêu cầu đưa nợ xấu về dưới 3%, các ngân hàng dồn dập bán nợ cho VAMC, khiến lượng trích lập dự phòng rủi ro tăng nhanh.
Điều này khiến quy mô trích lập dự phòng rủi ro tăng nhanh. Minh chứng cụ thể là tính đến cuối quý II/2016, tổng lượng trích lập dự phòng rủi ro toàn hệ thống đã chạm mốc 90.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2015 (hơn 78.000 tỷ đồng).
Việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng khiến nợ xấu giảm về thực chất, nhưng số lượng trích lập nợ xấu vẫn chưa tương xứng với nợ xấu, bởi riêng số trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC mới đạt hơn 20.000 tỷ đồng (khoảng 10% tổng số nợ đã bán).
Trên thực tế, vẫn còn nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, gặp khó khăn. Do đó, việc trích lập dự phòng mỗi năm 20% cho khoản nợ đã bán khiến không ít ngân hàng đuối sức. Bởi vậy, quyết định giãn thời gian cho những ngân hàng này xử lý nợ là cần thiết.
Nhìn ở bình diện khác, thời gian qua, VAMC đã mua về một số lượng lớn nợ xấu, nhưng số nợ xấu được xử lý lại chưa nhiều. Chính vì vậy, VAMC cũng cần thêm thời gian để giải quyết, tránh nợ xấu dồn toa.
Hiện gần 90% nợ xấu còn lại vẫn đợi VAMC cùng ngân hàng giải cứu. Và để xử lý số nợ xấu này một cách triệt để, nợ xấu cần được đưa ra mua - bán theo giá thị trường, thay vì nhốt kho xử lý từ từ như hiện nay. Với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng hiện nay của VAMC, số nợ mua được theo giá thị trường sẽ không lớn, song nếu thí điểm thành công, tổ chức này có thể xin bổ sung nguồn lực.
Để có thêm nguồn lực mua nợ xấu theo giá thị trường, nên cho phép VAMC sử dụng thêm nguồn tiền nhàn rỗi từ NHNN (không phải tiền ngân sách), trong đó có nguồn dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn từ TPĐB… Nếu sử dụng phương án này, nguồn tiền tươi để mua nợ xấu có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tất nhiên, việc sử dụng dự trữ bắt buộc bao nhiêu, cho vay tái cấp vốn từ TPĐB như thế nào để tránh gây áp lực lên lạm phát, tổng cung tiền… là điều mà các cơ quan quản lý phải cân nhắc.
Điều đặc biệt quan trọng là NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bên liên quan phải nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển thị trường mua bán nợ. Hiện dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua, bán nợ (dự thảo) để đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư đang được xây dựng, song nhiều quy định vẫn cần phải đổi mới, đồng thời phải làm rõ được tính chất thương mại của hoạt động mua, bán nợ, thấy được giá trị kinh tế của khoản nợ nhằm tăng tính hấp dẫn của khoản nợ khi thực hiện mua, bán.
Rõ ràng, dù đã không còn là “cục máu đông”, song việc chậm xử lý nợ xấu, khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng của các ngân hàng đang nằm chết, là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãi suất cao. Vì vậy, vừa phải thận trọng, song cũng phải đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và trên hết, phải xác định xử lý nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của riêng hệ thống ngân hàng.