Quý IV/2021, Transimex ghi nhận doanh thu thuần gần 2.400 tỷ đồng và lãi ròng 308 tỷ đồng; lần lượt tăng gấp 2 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm liền kề trước đó.
Biên lợi nhuận quý cuối năm ngoái của công ty này ở mức 7,9%, cao hơn quý IV/2020 khoảng 1,5%.
Kết quả kinh doanh của Transimex giai đoạn 2019- 2021 (Đvt: tỷ đồng). |
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Transimex tăng gần 46%, lên hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó, 55% là tài sản dài hạn.
Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này đã tăng mạnh trong năm vừa qua, tăng 94% so với thời điểm đầu năm do tăng lượng tiền gửi và các khoản phải thu.
Cụ thể, Transimex ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền đến cuối năm hơn 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần (bao gồm 825 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng).
Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này tăng gần 21% so với thời điểm đầu năm 2020, lên 1.250 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Transimex được ghi nhận tăng 36%, lên hơn 2.130 tỷ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính vượt mức 1.300 tỷ đồng (tăng 54%).
Năm vừa qua, công ty này ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng gấp 3 lần so với năm 2020 và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng gấp 2 lần.
Trasimex hiện có 10 công ty con và 8 công ty liên kết, cùng tổng số lượng nhân viên tăng 85%, lên hơn 2.000 người.
Diễn biến giá cổ phiếu TMS từ đầu năm 2021 đến nay. (Nguồn: TV). |
Transimex được đánh giá là công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ logistic tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ logistics tích hợp từ từ giao nhận hàng hóa, vận tải trên đất liền và đường biển đến kho bãi, trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD).
Theo một Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng Khoán Bản Việt, vốn là đại lý vận tải và dịch vụ giao nhận hàng hóa, công ty này là doanh nghiệp hưởng lợi từ mức cước phí vận chuyển cao hiện nay.
Ngoài ra, Transimex cũng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với nhà kho và trung tâm phân phối tại các trung tâm logistics trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và Hưng Yên.
Mảng logistics của Việt Nam được đánh giá có tính phân mảng cao nhưng đang phát triển nhanh và hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài.
Phần lớn các công ty logistics của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và chỉ một số doanh nghiệp nổi bật mới có thể cung cấp các dịch vụ logistics tích hợp.
Những doanh nghiệp này bao gồm các doanh nghiệp có vốn Nhà nước như Tân Cảng Sài Gòn (SNP) và Vinalines (UPCoM: MVN), các doanh nghiệp nước ngoài như DHL và Expeditors Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân như Transimex, Gemadept (HoSE: GMD) và Indo Trans Logistics (ITL).
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisticss Việt Nam (VLA) dự báo ngành logistics sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 15% hàng năm trong trung hạn, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng không ngừng của lĩnh vực sản xuất và thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam.
Lĩnh vực này vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài dù có sự cạnh tranh cao, thể hiện thông qua một số giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) và thành lập các công ty liên doanh.