Cảnh xếp hàng mua trà sữa ở một cửa hàng tại TP HCM. Ảnh: Phương Đông |
Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã CK: OCH) vừa công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên. Doanh nghiệp này hiện hoạt động trong ba mảng chính là kinh doanh khách sạn, thực phẩm và quản lý toà nhà, kinh doanh bất động sản.
Trong mảng thực phẩm, OCH hiện sở hữu thương hiệu thực phẩm là bánh Givral và Kem Tràng Tiền. Báo cáo cho thấy, năm 2018, doanh nghiệp đạt doanh thu 633,7 tỷ đồng từ mảng thực phẩm, tăng 14% so với 2017. Bên cạnh sự có mặt của các thương hiệu bánh, kem ngoại, trào lưu trà sữa cũng được lãnh đạo OCH xác định là "thủ phạm" ảnh hưởng tới doanh thu trong tương lai.
"Trà sữa đang thu hút giới trẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc và làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các sản phẩm tiêu dùng khác, trong đó có bánh", báo cáo của ban điều hành OCH nhận định.
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, song khoảng 5 năm gần đây, thị trường trà sữa mới bùng nổ sau khi một loạt các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài tham gia. Sự gia nhập của các thương hiệu lớn cũng khiến kinh doanh trà sữa tự phát bùng nổ dưới nhiều hình thức khác nhau, với cách pha chế được biến đổi đa dạng hơn, trong đó không thể không nhắc tới độ hiệu quả về truyền thông khiến thức uống này trở thành một "trào lưu".
Ở mảng thực phẩm, theo ban lãnh đạo OCH còn có những thách thức từ các đối thủ khác. Năm 2019, doanh thu bánh kẹo của thị trường Việt Nam dự báo tăng khoảng 8%. Tuy nhiên, OCH nhận định thị trường bánh ngọt ngày càng có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước như Đại Phát, Sweethome, ABC Bakery, Tous Les Jours, Paris Baguettes... Các thương hiệu này với tiềm lực mạnh vẫn tiếp tục đầu tư vào những vị trí lớn và đẹp, trưng bày bánh nhiều, đa dạng, chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, mô hình cá nhân tự kinh doanh cũng phát triển khá rầm rộ.
"Khó khăn lớn nhất trong ngành bánh ngọt là các hãng thường xuyên tung ra rất nhiều sản phẩm mới nhiều hơn lượng trung bình mà khách hàng có thể mua sắm. Việc tung quá nhiều sản phẩm mới sẽ gây khó khăn trong việc quản lý hiệu quả kinh doanh và làm tăng chi phí đầu tư", báo cáo của ban điều hành OCH đánh giá, đồng thời cho rằng điều này sẽ làm cho việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, không chỉ cạnh tranh trong cùng một ngành hàng mà còn giữa các ngành hàng khác nhau.
Năm 2018, OCH đạt doanh thu hợp nhất 1.155 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế chỉ là 44 tỷ đồng. Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.147 tỷ đồng, song lãi trước thuế chỉ vẻn vẹn 17 tỷ đồng, bằng một phần năm so với cùng kỳ.