Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco cho biết, nhà máy dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 và chính thức đi vào vận hành trong quý II/2017.
Nhà máy này có tổng mức đầu tư ước tính là 477 tỷ đồng, với hơn 20 gói thầu khác nhau. Đây là mức đầu tư đã được điều chỉnh tăng thêm 57 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, Traphaco đã quyết định nâng cấp các máy móc, thiết bị trang bị cho nhà máy này.
Gian hàng Traphaco tại một hội chợ |
Theo tính toán của Hội đồng Quản trị Traphaco, việc tăng đầu tư cho nhà máy sẽ làm thời gian hoàn vốn tăng thêm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu, lên 7 năm 10 tháng. Tuy nhiên, việc này khiến Traphaco tự tin hơn rất nhiều bởi có thể có ưu thế vượt trội về thiết bị sản xuất đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU). Đây là lợi thế để đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như chuẩn bị “bệ phóng” để tung quân ra thị trường quốc tế.
Như vậy, sau khi Nhà máy Sản xuất dược Việt Nam đi vào hoạt động, “đại gia” này sẽ mạnh lên đáng kể trong mảng tân dược.
Trong khi đó, công ty này còn tiếp tục âm thầm phát triển hệ thống phân phối, cho thấy những đường đi nước bước khá bài bản. Năm 2015, Công ty bắt đầu gặt hái thành quả của chính sách bán hàng tại quầy, khi doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng 20% và 10%. Nhờ vậy, tình hình tài chính của Traphaco đạt mức mạnh nhất trong vòng 5 năm, với số dư tiền mặt là 345 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015. Hơn thế nữa, khách hàng bán lẻ của công ty này ngày càng hùng hậu, với 22.000 khách hàng bán lẻ ký hợp đồng trực tiếp.
Trong năm 2015, doanh thu hợp nhất của Traphaco đạt 106% kế hoạch, tăng 20% so với năm 2014, trong đó doanh thu từ hàng sản xuất tăng 23% và đạt 101% kế hoạch. Ngoài việc đạt mức tăng trưởng cao từ ngành hàng chủ lực và thị trường chủ lực, công ty này còn trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm của một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới, như Sandoz - công ty đa quốc gia sản xuất thuốc Generic (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc) lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh việc đẩy mạnh bán lẻ, xây dựng nhà máy tân dược hiện đại, Traphaco vẫn tiếp tục củng cố vị trí trụ cột trong sản xuất và bào chế thuốc đông dược. Traphaco hiện sở hữu trên 100 ha dược liệu tại Sapa (Lào Cai), đồng thời khai thác tự nhiên nguyên liệu thuốc trên diện tích hơn 3.000 ha tại huyện Bát Xát và Sapa (Lào Cai) và vẫn đang phát triển vùng nguyên liệu tại nhiều địa phương khác. Hiện tại, công ty này đã có chứng nhận trồng và khai thác dược liệu đạt chuẩn GACP-WTO với 5 cây dược liệu, gồm: atiso, bìm bìm, đinh lăng (trồng); chè dây, rau đắng đất (khai thác tự nhiên).