Doanh thu của Traphaco vẫn phải trông chờ ở mảng đông dược. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất của Traphaco |
Lợi nhuận sau thuế chưa cao
Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của Traphaco cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.908 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, dược phẩm tự sản xuất vẫn là hoạt động kinh doanh chủ đạo khi tăng 13,26% và đóng góp 83,7% doanh thu. Mảng xuất nhập khẩu ủy thác và cung cấp dịch vụ ghi nhận mức tăng 44,2%, nhưng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu còn thấp.
Dù chỉ hoàn thành 95,4% kế hoạch doanh thu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra cho năm 2020, đây vẫn được xem là kết quả tích cực trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đáng kể đến ngành dược phẩm với doanh thu toàn ngành giảm khoảng 3% so với năm 2019.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Traphaco cũng giảm nhẹ về 54,03%, từ mức 54,98% của năm 2019 cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều gia tăng, nhưng tăng trưởng tích cực về doanh thu cùng hoạt động tài chính hiệu quả hơn vẫn giúp Công ty thu về 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 27% so với năm 2019, vượt 16,7% so kế hoạch.
Với kết quả này, doanh thu, lợi nhuận của Traphaco đã lấy lại tăng trưởng sau 3 năm liên tiếp sụt giảm, kể từ năm 2016. Cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư 346,2 tỷ đồng, trong năm vừa qua, Công ty đã giảm được 63,4 tỷ đồng nợ vay dài hạn, giúp tiết giảm chi phí lãi vay, đồng thời gia tăng lượng tiền tích lũy và duy trì chi trả cổ tức cho cổ đông 137 tỷ đồng, tương đương năm 2019.
Với biên lợi nhuận gộp 54%, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của Traphaco khá hiệu quả so với một số doanh nghiệp cùng ngành dược phẩm đang niêm yết. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của Traphaco lại chỉ ở mức 11,3%, thấp hơn đáng kể so với Dược Hậu Giang (19,7%) Imexpharm (15,3%), Domesco (12,4%), Pymepharco (16,4%), chủ yếu do tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên doanh thu của Công ty ở mức khá cao so với các doanh nghiệp nhóm tân dược.
Tính riêng trong năm 2020, tỷ lệ các khoản chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu của Traphaco lên đến gần 40% so với mức 20,7% của Imexpharm, 22,2% của Pymepharco, hay 26,7% của Dược Hậu Giang.
Mảng tân dược đối mặt nhiều khó khăn
Traphaco hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất và phân phối dược phẩm lớn tại Việt Nam, có vị thế dẫn đầu trong mảng đông dược.
Thành công của Traphaco được đánh giá đến từ việc sớm tập trung khai thác thị trường đông dược nhiều tiềm năng nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào với hàng ngàn loại thảo dược cùng nhu cầu về các sản phẩm thuốc có nguồn gốc thiên nhiên tại Việt Nam rất lớn. Nhưng sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, những năm gần đây, tình hình kinh doanh mảng đông dược của Công ty đã gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.
Chưa có số liệu về thị phần cũng như doanh thu theo kênh phân phối của năm 2020. Đối với năm 2019, báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cập nhật thị phần mảng đông dược của Traphaco giảm xuống 9,3% từ mức 11,5% của 2018, với sự sụt giảm doanh thu từ cả kênh bán lẻ (OTC) và kênh đấu thầu/kênh bệnh viện (ETC)
Theo phân tích của FPTS, nguyên nhân chính là do các sản phẩm đông dược của Traphaco gặp phải sự cạnh tranh về giá từ các sản phẩm tương đồng ở cả kênh OTC và ETC, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như Boganic, hoạt huyết dưỡng não - Cebraton, Tottri. Báo cáo của FPTS cho biết, ít nhất 50 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với Boganic và ít nhất 30 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với hoạt huyết dưỡng não đang lưu hành ở Việt Nam. Các sản phẩm này có thành phần dược liệu, tên gọi tương đồng, nhưng mẫu mã đa dạng, giá bán cạnh tranh hơn so với sản phẩm của Traphaco.
Với kênh ETC, dù sở hữu dây chuyền sản xuất đạt chuẩn WHO-GMP, tương ứng khả năng đấu thầu ở nhóm 1 cho các sản phẩm đông dược, nhưng Traphaco phải cạnh tranh với gần 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược khác đạt tiêu chuẩn tương đương. Do chính sách đấu thầu ưu tiên giá, sự khác biệt về chất lượng của nguyên dược liệu chưa mang lại lợi thế cho Công ty.
Trong bối cảnh đó, Traphaco đã đẩy mạnh đầu tư và phát triển mảng tân dược với các sản phẩm làm tăng hệ miễn dịch và chăm sóc sức khỏe cá nhân như Antot Thymo, Natri Clorid và T-B, hay nhóm thuốc mắt công nghệ kín như Quimoxi, Ofloxacin và Tobramycin… với mục tiêu doanh thu mảng tân dược đến năm 2025 sẽ đạt 1.700 tỷ đồng, đóng góp 40% cơ cấu doanh thu, tốc độ tăng trưởng kép 20%/năm trong giai đoạn 2020-2025.
Song kết quả doanh thu mảng tân dược trong năm 2020 mới đạt 578 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng doanh thu 7,2% trong năm đầu tiên của kế hoạch 2020-2025, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu bình quân 20%/năm đề ra, dù dịch bệnh đã làm tăng nhu cầu sử dụng một số dòng sản phẩm nhằm tăng sức đề kháng như Antot Thymo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân phòng dịch như Natri Clorid, nước súc miệng T-B.
Hiện triển vọng tăng trưởng mảng tân dược của Traphaco vẫn được đánh giá cao trong xu hướng tăng trưởng chi tiêu cho các sản phẩm dược phẩm, y tế tại Việt Nam. Riêng với nhóm thuốc mắt được Euromonitor dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 9,8%/năm giai đoạn 2019-2024.
Tuy vậy, nhà máy tân dược lớn nhất của Traphaco tại Hưng Yên hoàn thành cuối năm 2017 mới đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, tương ứng khả năng tham gia đấu thầu ở nhóm 3-5, được đánh giá không có lợi thế cạnh tranh so với các dòng sản phẩm tương đương của nhiều doanh nghiệp khác.
Trong bối cảnh đó, Traphaco đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn EU-GMP cho các dây chuyền tại nhà máy Hưng Yên. Khi hoàn thành, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm tân dược sẽ được nâng cao đáng kể, đủ điều kiện tham gia vào đấu thầu thuốc nhóm 1, 2, đem đến triển vọng mở rộng doanh thu ở kênh đấu thầu, cũng như tăng biên lợi nhuận. Nhưng quá trình này đến nay chưa có nhiều tiến triển và chưa hẹn ngày hoàn tất.