Cửa hàng dược phẩm của Traphaco. Ảnh: Đức Thanh |
Không để vỡ kế hoạch
Khẳng định của ông Mã cho thấy, Công ty sẽ đưa Nhà máy Sản xuất dược Việt Nam đi vào vận hành theo đúng kế hoạch đã định. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng với đại gia ngành dược và giới đầu tư đang kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của Công ty này sẽ được đẩy nhanh trong giai đoạn sắp tới.
Nhà máy Sản xuất dược Việt Nam có tổng giá trị ước tính 477 tỷ đồng, với hơn 20 gói thầu khác nhau. Mức đầu tư này đã được điều chỉnh tăng thêm 57 tỷ so với kế hoạch ban đầu. Sau khi Nhà máy đi vào hoạt động, Traphaco sẽ cải thiện đáng kể mảng tân dược. Như vậy, cùng với vị thế đang dẫn đầu thị trường ở mảng đông dược, Công ty Traphaco sẽ là đối thủ không dễ bị vượt mặt trên thị trường.
Về tình hình kinh doanh hiện tại, trong quý I/2017, Traphaco đạt tổng doanh thu hơn 405 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với con số thực hiện gần 495 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Điều này cũng đã đặt ra một số lo ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng của cả năm 2017.
Những lo ngại trên không phải là không có cơ sở, bởi trong năm 2016, Traphaco cũng đã từng vỡ kế hoạch doanh thu khi đưa ra mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ đạt 1.998 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh kết quả doanh thu quý I/2017 đạt khá thấp, nhưng Tổng giám đốc Traphaco vẫn kiên quyết khẳng định, Công ty sẽ vẫn đạt mục tiêu doanh thu năm 2017.
Dồn lực cho nhà máy dược
Diễn biến dòng tiền của Traphaco trong quý I/2017 và chia sẻ mới đây của lãnh đạo công ty này cho thấy, Công ty đang dồn nguồn lực khá mạnh cho việc xúc tiến các công đoạn cuối cùng của Dự án Nhà máy Sản xuất dược.
Một số chỉ tiêu kinh doanh của Traphaco trong năm 201:
Doanh thu hợp nhất: 2.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế: 242 tỷ đồng.
Vận hành Nhà máy Sản xuất dược Việt Nam từ quý III/2017, dự kiến doanh thu 100 tỷ đồng.
Phát triển thị trường miền Nam: Dự kiến doanh thu 400 tỷ đồng.
Lập thêm 4 chi nhánh tại Thái Nguyên, Yên Bái, Kiên Giang và Thừa Thiên Huế.
Dự kiến phát triển 8 sản phẩm mới.
Trong báo cáo tài chính quý I/2017, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty tăng khá mạnh, từ mức 292 tỷ đồng đầu năm 2017 lên mức 445 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3. Trong đó, khoản “phải thu khác” là ẩn số khi có sự biến động rất mạnh từ mức 33,6 tỷ đồng đầu kỳ lên mức 180,6 tỷ đồng cuối kỳ. Đây cũng là lý do chính khiến dòng tiền của Traphaco bị thâm hụt khá mạnh trong quý I/2017.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I, biến động phải thu của Công ty bị âm tới gần 155 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý I/2017 bị âm tới hơn 60 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 dương 49 tỷ đồng).
Vậy khoản “phải thu khác” này là gì và vì sao biến động mạnh như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Túc Mã cho biết, chủ yếu số tiền của khoản mục này là phần tiền Công ty chuyển sang cho các hoạt động xây dựng nhà máy mới tại Hưng Yên và tạm thời ghi nhận vào khoản mục này.
Ngoài ra, trong quý I/2017, Công ty đã phải bung nguồn lực khá nhiều cho hoạt động đầu tư khi phải tiêu tốn cho mua sắm, xây dựng tài sản cố định với số tiền lên tới 65,7 tỷ đồng. Vì những lý do đó, “hầu bao” - tiền và tương đương tiền - của đại gia ngành dược bị teo tóp khá mạnh khi chỉ còn 51,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với đầu năm (204,5 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái (262,6 tỷ đồng).