Thời gian gần đây, khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM liên tục tiếp nhận nhiều ca liên quan tới hội chứng Tic.
Trong số này có bé gái 10 tuổi, bị cận thị bẩm sinh. Theo bố mẹ bệnh nhi, 3 tháng nay, bé gái thường xuyên bị máy giật ở mắt, làm nhiều cách nhưng không hết giật nên đưa đi khám mắt.
Bác sĩ khoa mắt kiểm tra nhưng không phát hiện bất thường gì. Nhận định bé bị hội chứng Tic, đã chuyển qua khoa Nhiễm - thần kinh chữa trị.
Cách đây không lâu, bé trai ở Kiên Giang cũng được xác định mắc hội chứng Tic. Người nhà cho rằng là do bé dùng smartphone quá nhiều khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi |
BS Nguyễn Quang Vinh, Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng cho hay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 5 - 7 trường hợp liên quan tới hội chứng Tic.
Theo BS Vinh, hội chứng Tic là một dạng rối loạn về chức năng, biểu hiện là một dạng giật cơ mà trẻ không kiểm soát được. Giật cơ khác hẳn với co giật. Trong khi co giật là toàn khối cơ còn giật cơ chỉ là 1 nhóm cơ, như cơ mắt, cơ miệng, cơ vai, cơ bụng…
Hội chứng này không di truyền, không gây nguy hiểm cho bệnh nhi. Nhóm trẻ từ 4 - 10 tuổi thường dễ mắc. Tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái.
Triệu chứng gây ra do bệnh lý thần kinh, nhưng tìm nguyên nhân tổn thương trong não hay thần kinh ngoại biên đều không thấy.
Hội chứng Tic được phân ra làm 3 nhóm: Tic vận động, Tic âm thanh, Tic hỗn hợp giữa âm thanh và vận động. Thường gặp nhất khi thăm khám là Tic vận động, trong đó trẻ bị nhiều nhất là giật cơ ở mắt.
Nguyên nhân và cách điều trị hội chứng Tic
BS Vinh cho rằng khởi phát Tic có liên quan nhiều đến sự căng thẳng. Đặc biệt khi thấy trẻ bị giật cơ thì cha mẹ hay thầy cô giáo thường mắng trẻ với mục đích “không nên làm như thế nữa” nhưng do là hành động vô thức nên bé không dừng được và càng căng thẳng, làm bệnh nặng thêm.
Khi trẻ mắc hội chứng Tic, theo BS Nguyễn Quang Vinh phải giúp trẻ luôn thoải mái, tránh căng thẳng và lo lắng |
Một vài trường hợp Tic liên quan tới thực thể như bệnh nhi có bệnh như viêm kết mạc, viêm xoang, do đau thần kinh ở mặt hoặc tổn thương màng não (u màng não). Vì vậy, tránh không bỏ sót tổn thương, bác sĩ các khoa tai mũi họng, răng hàm mặt…nên thăm khám trước để loại trừ tổn thương.
Khoảng thời gian đầu hè, số ca Tic tăng lên 50% so với các thời điểm khác, theo BS Vinh, nguyên nhân có thể do các bé xem tivi, chơi smartphone quá nhiều.
Do smartphone nhỏ, nên khi chơi game hay xem hoạt hình, bé thường phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai liên tục hoạt động dẫn tới cơ mỏi mệt.
"Với ti vi, tần số của hình ảnh hiển thị trên màn ảnh cộng hưởng với hoạt động của não có thể là nguyên nhân khởi phát, tái phát hội chứng Tic" - BS Vinh lý giải.
Tuy Tic không gây nguy hiểm nhưng nếu để lâu không chữa trị thì sẽ hình thành tật xấu cho trẻ (mắt, vai, miệng giật liên tục).
Để điều trị hội chứng Tic, phải tìm được nguyên nhân khởi phát. Việc điều trị triệu chứng chỉ là 1 phần của vấn đề, cái quan trọng nhất là làm sao cho trẻ không bị căng thẳng, lo lắng.
Khi trẻ mắc hội chứng Tic, mọi thành viên trong gia đình đều phải biết bệnh không nguy hiểm, phải làm sao tránh cho trẻ bị căng thẳng - BS Vinh nói và cho biết, ở trường, các thầy cô giáo cũng phải tình trạng của trẻ để có ứng xử phù hợp bởi càng mắng trẻ thì bệnh của trẻ càng nặng.
Trường hợp trẻ bị nặng, có thể sẽ dùng thuốc an thần. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng về sẽ gây ức chế thần kinh của trẻ.
Ngoài ra phải cai game, không cho trẻ xem tivi thường xuyên và tập cho trẻ cách để mắt nghỉ ngơi, không làm việc (khác với việc nhắm mắt khi ngủ).