Ngày 20/9, Bệnh viện 19/8 tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa”.
Tại Hội thảo, Đại tá, PGS.TS. Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19/8 cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật tiến bộ y học trong ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá.
Đại diện Bệnh viện 19/8 phát biểu tại Hội thảo về vai trò của AI trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tiêu hoá |
Theo PGS.TS. Hoàng Thanh Tuyền, việc ứng dụng phần mềm AI trong nội soi đường tiêu hoá giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào nội soi tiêu hoá, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.
Còn theo ThS.BS. Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19/8, trong lĩnh vực tiêu hóa, tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như con mắt thứ 3 hỗ trợ bác sĩ, tránh bỏ sót tổn thương. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sĩ phân loại được tổn thương cho người bệnh.
Đặc biệt, hiện tại bác sĩ tiêu hóa tại Việt Nam phải chịu đựng áp lực guồng làm việc rất lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ có bỏ sót tổn thương không.
Cũng theo bác sĩ Dũng, AI giúp các y, bác sĩ giảm tỷ lệ bỏ sót polyp đại trực tràng. Trong xu thế phát triển, AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương", bác sĩ Dũng cho hay.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, trước đây, polyp đại trực tràng được khuyến cáo cần lưu ý ở người cao tuổi, trên 50. Nhưng hiện nay, số lượng tổn thương ung hóa phát hiện nhiều hơn ở người trẻ nên tại Mỹ khuyến cáo người dân nội soi kiểm soát từ 45 tuổi trở lên, còn Nhật giảm xuống từ 40 tuổi phải tầm soát.
"Trong tương lai, chúng tôi mong muốn AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương, mang lại hiệu quả về mặt chẩn đoán", bác sĩ Dũng bày tỏ.
Cung cấp thêm thông tin về tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Nội tiêu hoá cho biết, tỷ lệ phát hiện polyp tại Khoa khá cao, chiếm 21%.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hoá thực hiện từ 80 - 120 ca nội soi tiêu hóa. Khoảng 60 bệnh nhân nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Mỗi tháng, bệnh viện thực hiện 200 ca phải cắt polyp đại trực tràng.
Nhiều ca vào thăm khám, qua nội soi đã phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá đã phát hiện polyp đại trực tràng còn rất nhỏ, hoặc nằm ở góc khuẩn. Tỷ lệ phát hiện ung thư đường tiêu hoá đã nhiều hơn so với những năm trước nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại.
TS. Misawa Masashi, Bệnh viện Showa, Đại học Yokohama (Nhật Bản) trình bày nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nội soi tiêu hoá |
Ngoài việc chẩn đoán, AI còn có vai trò lớn trong việc điều trị các bệnh lý tiêu hoá. Theo đó, các tổ chức trên thế giới như FDA của Mỹ hay tổ chức y tế của châu Âu, Nhật Bản đều đã công nhận việc sử dụng các hệ thống máy ứng dụng AI.
Các hệ thống máy nội soi đại tràng đều có chung một cái cách tiếp cận giúp phát hiện tổn thương và phân loại xem đó là u lành tính hay ác tính.
Tuy nhiên, chi phí ứng dụng các hệ thống máy móc ứng dụng công nghệ AI khá cao. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo và tăng tỷ lệ phát hiện tổn thương, liệu có giúp tiết kiệm chi phí, điều chỉnh chi phí sàng lọc cho người bệnh hay không.
Nhóm tác giả tại Mỹ đã tiến hành khảo sát với các đối tượng bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm trung bình 7.194 ca mắc ung thư, giảm 2.089 ca tử vong, tiết kiệm 290 triệu USD mỗi năm.