Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo các bệnh lý tiêu hóa ở người trẻ
D. Ngân - 05/03/2023 11:47
Bệnh viện E vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 25 tuổi, chưa lập gia đình, bị nôn ra máu, chảy máu dạ dày do thường xuyên phải đi công tác và uống nhiều rượu bia.

Sau nhiều ngày uống rượu bia, đi ngoài phân đen, khi bị nôn ra máu bệnh nhân mới đến y tế tuyến cơ sở để khám. Tại y tế tuyến cơ sở bệnh nhân được chỉ định nội soi chẩn đoán chảy máu dạ dày. Tuy nhiên, quá trình sau đó bệnh nhân vẫn bị tái phát chảy máu dạ dày nên đã tới Bệnh viện E khám.

Tại Bệnh viện E, bệnh nhân có dấu vết của chảy máu dạ dày và những vết loét nông chưa được điều trị triệt để. Sau khi, được xử lý vùng chảy máu bệnh nhân không còn đi ngoài phân đen, bệnh nhân được chỉ định kiểm tra toàn bộ cơ thể để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn gây chảy máu dạ dày. Rất may mắn bệnh nhân không có thêm bệnh lý khác.

Theo chuyên gia này, việc uống rượu bia nhiều, kèm áp lực trong công việc và cuộc sống, chế độ ăn kém khoa học khiến bệnh nhân bị viêm loét chảy máu dạ dày khi tuổi còn trẻ.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chảy máu dạ dày là viêm loét lành tính, chiếm tới 70% các ca bệnh. Viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài, lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc không tuân theo chỉ định. Ngoài ra, một số bệnh lý như giảm tiểu cầu, xơ gan, thiếu hụt vitamin K, bệnh sốt xuất huyết, ung thư đường tiêu hoá cũng là nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng chảy máu dạ dày.

Chảy máu dạ dày thường có các dấu hiệu như: Đau nghiêm trọng vùng thượng vị; Thay đổi sắc tố da; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen. Một số triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng, tụt huyết áp, vã mồ hôi,… do thiếu máu. Khi xuất hiện các dấu hiệu trên mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị.

Hiện nay, người dân thường có thói quen dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Sơn cho hay, để tránh nguy cơ viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, các bác sĩ khuyên chúng ta cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá. 

Trong đó, việc tránh stress rất quan trọng. Người dân cũng nên đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc khi có bất thường ở đường tiêu hoá cần phải đi khám sớm vì những diễn biến cấp tính tại đường tiêu hoá như chảy máu dạ dày có thể diễn biến nhanh gây nguy hiểm cho tính mạng.

Chuyên gia cũng hướng dẫn một số biện pháp để bảo vệ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh như tránh hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều; 

Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch; Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh;

Hạn chế dùng thuốc giảm đau chống viêm không Steroid, nếu bắt buộc sử dụng, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ; Duy trì ăn uống sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ, một tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng, stress, hạn chế tối đa việc thức khuya.

Ngoài căn bệnh chảy máu dạ dày các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cảnh báo triệu chứng viêm ruột thừa dễ nhầm lẫn với đau dạ dày.

Theo lời kể của bệnh nhân, anh có tiền sử đau dạ dày, lại vừa qua một cuộc nhậu nên khi thấy dấu hiệu đau bụng, anh chủ quan uống thuốc dạ dày. Tuy nhiên, nhận thấy cơn đau không đỡ lại quặn thắt từng cơn, anh mới vội vàng đi kiểm tra.

Tại phòng khám, sau khi được thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm, siêu âm ổ bụng, các bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp giờ thứ 30. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để phẫu thuật kịp thời.

Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bệnh nhân được chỉ định thêm chụp CT Scanner 128 lát để chẩn đoán xác định. Hình ảnh chụp CT cho kết quả ruột thừa viêm quặt ngược sau manh tràng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, tỉ lệ ruột thừa vị trí sau manh tràng là một vị trí bất thường rất hiếm gặp. Những trường hợp này dễ chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót, do đó cần phải phối hợp chặt chẽ giữa lâm sàng và cận lâm sàng. 

Đặc biệt, trường hợp này cũng khó chẩn đoán trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thông thường. Nhiều trường hợp siêu âm khó phát hiện ra nên rất cần chụp cộng hưởng từ để có thể chẩn đoán chính xác, kịp thời.

Viêm ruột thừa là bệnh lý rất thường gặp và tiến triển rất nhanh. Các triệu chứng của viêm ruột thừa sẽ biểu hiện trong vòng 24 giờ. Khoảng 65% bệnh nhân bị viêm ruột thừa có biến chứng vỡ sau 48 giờ. 

Nếu nhận biết chậm trễ và điều trị không kịp thời sẽ có khả năng tiến triển nặng với các hậu quả khôn lường xảy ra đe dọa đến tính mạng như: Đám quánh ruột thừa, áp xe ruột thừa, viêm phúc mạc...

Người bệnh cần đặc biệt lưu ý những triệu chứng của viêm ruột thừa như sau: Đau bụng: Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và luôn có. Tính chất cơn đau rất đa dạng: Cơn đau khởi ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. 

Sau khoảng 2-12 giờ, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế...

Sốt: Thường sốt (38 độ C) do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao.

Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có thể có các triệu chứng khác liên quan đến hệ tiêu hóa như: Mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng, buồn nôn và nôn, đại tiện lỏng, hơi thở hôi…

Những cách chẩn đoán viêm ruột thừa

Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng viêm ruột thừa, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Các phương pháp cận lâm sàng thường được thực hiện để chẩn đoán viêm ruột thừa, bao gồm:

Thực hiện một số xét nghiệm: Xét nghiệm máu: cho phép bác sĩ kiểm tra số lượng bạch cầu và CRP để tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể.

Xét nghiệm nước tiểu: loại trừ nhiễm trùng đường tiểu, hoặc sỏi thận là nguyên nhân gây đau.

Thử que: loại trừ thai ngoài tử cung là nguyên nhân gây các triệu chứng tương tự viêm ruột thừa cấp.

Tin liên quan
Tin khác