Y tế - Sức khỏe
Ung thư tiêu hóa tăng và trẻ hóa
D.Ngân - 16/02/2023 13:11
Số bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa (đại trực tràng, dạ dày, thực quản…) ngày càng tăng và trẻ hóa. Đáng tiếc, nhiều trường hợp đến viện khi đã rất muộn nên việc đáp ứng điều trị kém.

Đa số phát hiện muộn

Vốn khỏe mạnh, nhưng 1 năm gần đây, anh Phạm Văn Định (28 tuổi, ở Thanh Hóa) xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém.

Công việc cuốn nhiều thời gian nên anh thường tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, anh nhận được kết quả nghi ngờ ung thư dạ dày.

Lo lắng, anh Định tìm đến Bệnh viện K Trung ương. Tại đây, sau khi khám, chụp chiếu và làm sinh thiết, anh được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và được chỉ định cắt hớt niêm mạc qua nội soi.

Còn bệnh nhân Lê Lan Anh (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau bụng, rối loạn đại tiện.

Ảnh minh hoạ

Chị cho biết, thi thoảng bị đau bụng quanh rốn khi buồn đại tiện, phân có lúc có máu, dù không sốt, không nôn, không gầy sút cân.

Kết quả siêu âm ổ bụng và nội soi đại trực tràng xuất hiện nhiều hạch mạc treo hố chậu phải và tổn thương sùi loét.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại Bụng, Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đường tiêu hóa bao gồm: Ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan… thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc trong nhiều năm gần đây tăng nhanh và gặp ở lứa tuổi trẻ hơn. Tại Bệnh viện K, có những bệnh nhân mới chỉ 20 tuổi.

Còn tại khoa Phẫu thuật tiêu hóa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình một tuần phẫu thuật từ 2 - 3 ca ung thư dạ dày, trong đó có những ca tuổi đời còn rất trẻ.

Bác sĩ Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa cho biết, do ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Khi xuất hiện các dấu hiệu ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị... người bệnh cần nghĩ ngay đến nguy cơ ung thư dạ dày và đi khám sớm.

“Trên thực tế, nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... lúc này đã ở giai đoạn muộn”, bác sĩ Hà nói.

Thực tế, ghi nhận rất nhiều trường hợp người bệnh nghĩ mình bị các vấn đề tiêu hóa thông thường nhưng khi nội soi tiêu hóa lại nhận kết quả ung thư. 

Anh N.V.N 33 tuổi, Đông Anh, Hà Nội đi khám tiêu hóa tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI vì gần đây thỉnh thoảng thấy xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu.

Tuy nhiên, anh N. không muốn thực hiện nội soi để kiểm tra. Sau khi bác sĩ thuyết phục rất nhiều thì anh mới đồng ý thực hiện và kết quả đáng buồn là hình ảnh nội soi cho thấy có khối sùi chiếm hết chu vi trực tràng, chẩn đoán ung thư trực tràng.

Tương tự, bác N.T.Q (Bệnh nhân nam, 58 tuổi ở Lạng Sơn) đi khám do có các biểu hiện của bệnh trĩ. 

Tuy nhiên, sau khi nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện tổn thương sùi loét, chiếm hết 2/3 chu vi lòng trực tràng, tiên lượng ung thư. Bác N.T.Q được chỉ định lấy mẫu làm sinh thiết và kết quả cho thấy bác cũng bị ung thư trực tràng.

Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Nội soi tiêu hóa, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI chia sẻ, nội soi là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa trong đó có ung thư. 

Các trường hợp như 2 bệnh nhân kể trên không phải là hiếm, rất nhiều ca ung thư đã được phát hiện trong quá trình thực hiện nội soi. Tuy nhiên, phần lớn bệnh ở giai đoạn tiến triển do nhiều người thường trì hoãn hoặc bỏ qua nội soi tiêu hóa vì tâm lý ngại hoặc lo sợ.

Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, ung thư đường tiêu hóa nếu phát hiện sớm việc xử lý thường khá đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả cao. 

Cụ thể, ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó phát hiện nên ngay cả khi đã thực hiện nội soi thường, 1 số trường hợp ung thư giai đoạn sớm vẫn có thể bị bỏ sót. Hiện tại, điều này đã được khắc phục ở công nghệ nội soi tiêu hóa MCU cao cấp.

Cách nào phòng chống?

Theo bác sĩ Hà Hải Nam cho biết, tầm soát ung thư đường tiêu hóa là một trong những phương pháp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư chính xác nhất hiện nay. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Còn theo BS. Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nội soi thực quản dạ dày hoặc đại tràng cho độ chính xác cao nhất, giúp tầm soát, phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư đường tiêu hóa.

Nội soi đại tràng là lựa chọn được ưu tiên trong tầm soát ung thư đại trực tràng với tỷ lệ phát hiện ung thư và polyp tuyến của phương pháp này đạt 95 - 100%.

Ngoài ra, nội soi đại tràng còn cho phép bác sĩ loại bỏ tổn thương và polyp tuyến trước khi chuyển thành ác tính ở bất kỳ vị trí nào trong lòng ruột.

Với nội soi thực quản - dạ dày, bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc ống tiêu hóa, tìm kiếm các sang thương, tiền ung thư như viêm teo, loạn sản, polyp... bằng ống soi có gắn camera. Nội soi có thể phát hiện, sinh thiết để chẩn đoán xác định ung thư.

BS. Thái cho biết thêm, ung thư tiêu hóa thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, do đó không nên đợi đến khi có triệu chứng mới tới bệnh viện.

Độ tuổi được khuyến cáo cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát là từ 40 - 45 tuổi. Tùy theo yếu tố nguy cơ, mọi người có thể tầm soát định kỳ 2 - 3 năm/lần.

Đối với ung thư đại tràng, những đối tượng từ 50 tuổi trở lên hoặc có nguy cơ cao, đặc biệt gia đình có người thân bị ung thư phải tầm soát sớm.

“Nếu kết quả tầm soát đại tràng bình thường, mọi người có thể tầm soát định kỳ 10 năm/lần. Nếu kết quả cho thấy có nguy cơ cao, có thể phải kiểm tra lại với thời gian ngắn hơn từ 2 - 3 năm/lần hoặc thậm chí 6 tháng/lần”, BS. Thái khuyến cáo.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị và gần đây có thêm phương pháp điều trị đích và điều trị miễn dịch, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và mô bệnh học, thể trạng của người bệnh, kinh tế của từng gia đình mà sẽ có phương pháp điều trị riêng cho mỗi cá thể người bệnh. 

Bác sĩ Phương cho biết, với những kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, thì nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì cơ hội điều trị thành công rất cao.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn thì cần phẫu thuật phối hợp hóa trị, xạ trị. Ở giai đoạn cuối, bệnh đã di căn thì được điều trị toàn thân như hóa trị, đích và miễn dịch…

Trước đây, nhiều bệnh nhân ung thư phổi có mong muốn điều trị miễn dịch, nhưng do thuốc rất đắt (khoảng trên 100 triệu/tháng) nên nhiều gia đình không có khả năng chi trả. 

Hiện nay, điều trị miễn dịch tùy theo thuốc và liều sử dụng, khoảng từ 40-60 triệu/tháng nên nhiều người bệnh đã chịu được chi phí này. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng điều trị miễn dịch mà tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. 

Nhờ phương pháp chẩn đoán sớm và sự tiến bộ trong điều trị, bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội kéo dài thời gian sống hơn. Theo đó, trước đây, bệnh nhân nếu di căn não thường chỉ sống 3-6 tháng nhưng nhờ máy móc thiết bị hiện đại, điều trị đích, điều trị miễn dịch… bệnh nhân có thể kéo dài 3 - 4 năm, có người 7 - 8 năm. 

Để phòng tránh bệnh lý ung thư, bác sĩ Phương khuyến cáo mọi người cần phải có lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, những người có yếu tố nguy cơ cao thì tầm soát ung thư. 

Lãnh đạo Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. 

Người dân nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì. Nếu gia đình có tiền sử có người mắc ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý này. 

Trẻ em nên tiêm phòng vắc-xin đầy đủ tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ung thư như virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người (HPV) để giảm thiểu nguy cơ ung thư gan, ung thư cổ tử cung.

Để hạn chế ung thư đường tiêu hóa, theo chuyên gia, kiểm tra thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. 

Riêng với ung thư đại tràng, bác sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển.

Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.

Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. 

Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. 

Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.

Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. 

Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.

Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.

Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Quan trọng nhất là bạn không nên bỏ qua việc tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, bởi ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác