Doanh nghiệp
Triển khai Chương trình “Sữa học đường” tại Hà Nội: Quan trọng là công khai, minh bạch
Hoàng Yến - 06/10/2018 08:31
Ý nghĩa nhân văn của Đề án Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh (HS) tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020” (Đề án Chương trình “Sữa học đường”) rất rõ ràng, song quá trình triển khai thực hiện đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã chia sẻ đôi điều về vấn đề này.

Xin ông nói rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án sữa học đường của TP Hà Nội?

- Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1340 ngày 8/7/2016, Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh, TP triển khai chương trình sữa học đường; thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của chính quyền TP với sự phát triển thể trạng, trí tuệ của HS để cải thiện giống nòi, trong điều kiện số trường học và HS mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn rất lớn.

.

Xác định đây là một chương trình rất cần chủ trương chung của TP, nên khi UBND TP trình, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết 06 ngày 5/7/2018 quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án. Cái được lớn nhất là chương trình sẽ tạo hiệu ứng rộng lớn để người dân thấy được tầm quan trọng của việc cải thiện giống nòi, nhất là khi chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam còn khá thấp. Có thể nói chương trình thể hiện quyết tâm rất lớn của TP.

Quá trình triển khai Đề án tại TP Hà Nội được tiến hành đến đâu, thưa ông?

- Để thực hiện Nghị quyết 06 của HĐND TP, UBND TP đã ban hành Quyết định 4125 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Quyết định 4019 phê duyệt Đề án rất cụ thể để thực hiện. Nghị quyết xác định rõ đối tượng áp dụng là HS mẫu giáo, tiểu học; thời gian thụ hưởng từ năm học 2018 - 2019 đến hết 2020; theo cơ chế Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, cha mẹ HS góp 30% và DN cung cấp sữa hỗ trợ 20% (với gia đình chính sách thì Nhà nước hỗ trợ 50%, DN hỗ trợ 50%). Tính ra, mỗi gia đình đóng hơn 70.000 đồng/tháng.

.

UBND TP đã giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành thực hiện quy trình theo đúng Luật Đấu thầu; sữa được cung cấp phải đảm bảo chất lượng và các yếu tố vi chất dinh dưỡng theo đúng tư vấn của Viện Dinh dưỡng; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng để mọi người cùng giám sát thực hiện. Đồng thời đảm bảo kho chứa sữa, chất lượng phục vụ, bảo quản, cách phát sữa đến HS… Đây là một quy trình đòi hỏi chặt chẽ, nên UBND TP rất thận trọng trong đấu thầu chọn đơn vị cung cấp sữa đúng quy định. Chắc chắn đó phải là DN lớn, có uy tín, sản phẩm chất lượng và đủ năng lực cung cấp được sản lượng sữa rất lớn cho số HS trên địa bàn.

Ý nghĩa nhân văn của Đề án đã rõ, song nhiều người còn băn khoăn về chất lượng sữa; tính minh bạch của việc đấu thầu và nhất là nếu chỉ một đơn vị lớn cung cấp sữa liệu có đảm bảo cạnh tranh bình đẳng cho các DN nhỏ. Ý kiến của ông thế nào?

- Dưới góc độ thực hiện chủ trương chính sách, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã phối hợp với UBND TP thực hiện thẩm tra, thẩm định các nội dung liên quan để ban hành Nghị quyết thực hiện Đề án. Đến nay có thể nói HĐND TP đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng việc thực hiện chắc chắn phải theo Luật Đấu thầu, nếu xé nhỏ gói thầu để nhiều DN được tham gia cung cấp sữa sẽ khó khả thi. Chúng ta không thể đáp ứng theo nhu cầu nhỏ của từng người, mà phải mang tính vĩ mô.

Trước kia, một số trường đã lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm từ các hãng sữa nhỏ. Thực tế ở một số tỉnh, TP đã xảy ra ngộ độc sữa, chất lượng không đảm bảo. Những hãng sữa lớn mới đảm bảo sản xuất được sản lượng, theo đó là thương hiệu có từ rất lâu, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng thì DN sẽ lập tức bị dư luận lên án, đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

.

Về chất lượng sữa, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì quá trình thực hiện đúng Luật Đấu thầu, TP phải chọn được đơn vị đủ năng lực đảm bảo chất lượng sữa cung cấp được cho bình diện chung cả TP. Việc đăng ký cho con uống sữa là hoàn toàn tự nguyện, nhưng khuyến khích đông đảo phụ huynh tham gia, nên các trường phải phát phiếu để nắm được nhu cầu, báo cáo về Phòng GD&ĐT, căn cứ vào đó mới tổ chức đấu thầu. Tức là phải có “đầu bài” thì mới thực hiện được. Tất nhiên, trước khi thực hiện một nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn trong xã hội, không tránh khỏi ý kiến nhiều chiều.

Khi dư luận đang có nhiều ý kiến thì theo ông, Sở GD&ĐT Hà Nội được giao triển khai Đề án cần thực hiện các bước tiếp theo thế nào để tránh gây phản ứng không tốt trong xã hội?

- Sở GD&ĐT cần đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT tăng tuyên truyền hơn để người dân hiểu rõ ý nghĩa chương trình. Các cơ quan tuyên truyền, nhất là cơ quan báo chí của TP, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án để người dân thấy được chủ trương lớn của TP. Thực tế chương trình đã được áp dụng rất lâu tại nhiều nước, như ở Nhật Bản, trẻ uống sữa thay nước, đã cải thiện rất nhiều về chiều cao, chỉ số IQ.

Đặc biệt, Sở cần công khai, minh bạch, rõ ràng trong đấu thầu - yếu tố hàng đầu để tránh hiểu lầm trong xã hội. Quan trọng là tạo được lòng tin cho phụ huynh HS về chất lượng sữa. Muốn vậy, hãng sữa được chọn phải đảm bảo đủ năng lực, chất lượng, uy tín; Sở GD&ĐT cùng Sở Tài chính đặt “đầu bài” với nhiều điều kiện cụ thể để DN thỏa mãn được.

Tin liên quan
Tin khác