Thời sự
Triển lãm OVOP 2018 hội tụ tinh hoa làng nghề Hà Nội
Thanh Nga - 20/12/2018 08:37
Với gần 100 gian hàng đến từ hơn 20 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội, Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) 2018 mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống.
TIN LIÊN QUAN

Sắc màu văn hóa của “mảnh đất trăm nghề”

Trên diện tích khoảng 2.500 m2 của Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) 2018, các không gian làng nghề truyền thống Hà Nội được tái hiện một cách độc đáo, sinh động và đầy sức sáng tạo trong khuôn viên Trung tâm thương mại Mega Mall, Royal City (72A - Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Các gian trưng bày nhiều sản phẩm được chế tác tinh xảo đã tự kể những câu chuyện về đời sống đậm màu sắc văn hóa và giàu truyền thống của vùng đất được mệnh danh “mảnh đất trăm nghề”. 

Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh (Hà Nội) thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan tại Triển lãm OVOP 2018.

Đó là không gian mây tre lá của các làng nghề Phú Vinh, Ninh Sở, Phú Túc, Ứng Hòa, Chuông; không gian gốm sứ đến từ làng nghề Bát Tràng, Giang Cao; khu sản phẩm từ sừng của làng nghề Thụy Ứng; không gian lụa của làng nghề Vạn Phúc, Mỹ Đức; không gian sơn mài của làng nghề Bối Khê, Duyên Thái, Phú Xuyên; không gian đồ gỗ của làng nghề Nhị Khê, Sơn Đồng…

Bên cạnh các làng nghề Hà Nội, Triển lãm còn dành không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các địa phương trên toàn quốc đã và đang thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Theo bà Nguyễn Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA), Triển lãm OVOP 2018 nhằm quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng tiêu biểu, thiết kế mới của các làng nghề Hà Nội. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp làng nghề thể hiện sự sáng tạo, bản sắc riêng cho từng sản phẩm, từ đó tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần quảng bá, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô.

“Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là thông qua Triển lãm, sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề sẽ từng bước nâng cao sức cạnh tranh trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Triển lãm cũng là cơ hội để du khách quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong và ngoài nước tiếp cận các sản phẩm mang thương hiệu OVOP Việt Nam”, bà Mai Anh nhấn mạnh.

Tăng kết nối, mở rộng thị trường

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty Mây tre đan Việt Quang đến từ làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, gia đình ông có ba đời nối nghiệp nghề mây tre đan và đã thành công trong việc sáng tạo nên các sản phẩm được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. “Tại Triển lãm này, chúng tôi mang đến những sản phẩm đắt giá, đã được xuất khẩu sang Nhật Bản như bộ chao đèn, bình mây, hộp đựng… Chúng tôi hy vọng sẽ được gặp gỡ, kết nối với nhiều bạn hàng, đối tác, khách hàng mới”, ông Tĩnh tin tưởng.

Tại gian sản phẩm chế tác từ sừng của làng nghề sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín), những sản phẩm trang sức, phụ kiện từ sừng được chế tác tinh xảo đã đem đến rất nhiều ngạc nhiên cho khách tham quan.

Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Sản xuất và thương mại Hahanco cho biết, làng nghề sừng Thụy Ứng đã được nhiều hãng thời trang tên tuổi trên thế giới đặt sản xuất phụ kiện, đồ trang sức… Trong đó, doanh nghiệp Hahanco được đặt hàng mặt hàng lược sừng để bán sang thị trường Nhật Bản với giá khoảng hơn 700.000 đồng/chiếc và vòng đeo cổ cho hãng thời trang Hermes được hãng này rao bán trên trang Ebay giá lên tới hơn 10 triệu đồng…

Trong không gian của gian hàng sơn mài đến từ làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại An Huy hào hứng giới thiệu với khách tham quan các tác phẩm tranh sơn mài được cẩn bằng vàng ta, vẽ phong cảnh phố cổ Hà Nội, làng quê Bắc bộ và miền núi phía bắc. Nhiều sản phẩm sơn mài như đồ trang sức, lưu niệm, khung ảnh, hộp giấy, khay trà, bình hoa... mang tính mỹ thuật và ứng dụng, phù hợp với cuộc sống hiện đại, được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

“Triển lãm là cơ hội để chúng tôi nắm bắt thị hiếu khách hàng và mở rộng thị trường cho các sản phẩm thủ công đặc sắc”, ông Chiêu nói.

Tin liên quan
Tin khác