Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được đầu tư xây dựng, góp phần kiến tạo động lực để vùng ĐBSCL cất cánh. Trong ảnh: Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng Ảnh: Trung Nam Group |
Đường lớn đã thông
Những ngày cuối năm 2023, tiết trời mát dịu, người dân các tỉnh miền Tây chuẩn bị đón năm mới với niềm vui được nhân lên khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP.HCM đến Cần Thơ, dài 120 km.
Hai dự án được mong đợi từ lâu này đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất “chín rồng”. Điều dễ nhận thấy là giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn khoảng 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước.
Thời gian gần đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển vùng ĐBSCL. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn trong vùng được triển khai, gồm các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc, các tuyến đường liên vùng.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, phát triển đường thủy nội địa, nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt.
Trong năm qua, nhiều công trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đã đồng loạt khởi công xây dựng. Ngay ngày đầu tiên của năm, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau, có tổng chiều dài 109,5 km, tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng. Đến giữa năm (ngày 17/6/2023), khởi công Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn I, có tổng chiều dài 188,2 km, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Tiếp theo đó, ngày 25/6/2023, khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh giai đoạn I, qua địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Dự án có chiều dài 27,43 km, sơ bộ tổng mức đầu tư là 7.496 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư).
Ngoài các tuyến cao tốc nêu trên, còn có Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, khởi công ngày 15/10/2023, với tổng mức đầu tư hơn 7.962 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng về TP.HCM.
Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cầu đường, cảng biển, kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn lâu nay của vùng ĐBSCL. Các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối thuận lợi các trung tâm kinh tế, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế trong Vùng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, logistics, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh tốt hơn… Đồng thời, kiến tạo không gian và các hành lang phát triển mới, tạo động lực và dư địa cho đột phá toàn vùng ĐBSCL.
Rộng mở cơ hội
Là địa phương có cầu Mỹ Thuận 2 đi qua và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có điểm đầu, điểm cuối đều nằm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời chia sẻ, hai dự án này đưa vào khai thác, giúp tỉnh tạo ra động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
“Trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc và từng bước hình thành, phát triển hành lang kinh tế dọc sông Hậu và hành lang kinh tế dọc sông Tiền. Qua đó, phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững”, ông Lữ Quang Ngời nói.
Được xem là “thủ phủ” của vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đánh giá, các dự án giao thông quan trọng đi qua địa bàn Thành phố đang được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện, góp phần hoàn thiện hơn nữa hệ thống giao thông, phát triển lĩnh vực vận tải, logistics để tăng tính cạnh tranh của Cần Thơ; tăng nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, các dự án lớn khác đang được nghiên cứu triển khai như: Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An, hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn II; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, sẽ mở ra không gian phát triển mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới cho Thành phố.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Cần Thơ sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp nhằm phát triển công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến, công nghiệp nhiên liệu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao; các lĩnh vực dịch vụ, thương mại chất lượng cao; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin, giao thông, logistics có quy mô lớn, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, để Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm, làm động lực phát triển chung cho cả vùng ĐBSCL.
Hiện nay, Thành phố tập trung nguồn lực để triển khai 3 dự án trọng điểm là KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn I (VSIP Cần Thơ); Trung tâm Năng lượng Ô Môn; Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Một địa phương khác là Hậu Giang cũng không bỏ lỡ cơ hội phát triển này. Với vị trí tiếp giáp TP. Cần Thơ, có 2 dự án cao tốc đi qua, Hậu Giang tập trung khai thác tối đa lợi thế. Trong đó, hai hành lang kinh tế động lực của tỉnh được xác định theo các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Theo quy hoạch, trên hai tuyến hành lang này, tỉnh tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp, đô thị và logistics.
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng dồn lực khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng tỉnh trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề, theo quy hoạch trở thành cảng biển đặc biệt, đóng vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics kết nối và phát huy hiệu quả đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng biển Trần Đề. Tỉnh còn nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề, quy mô dự kiến khoảng 40.000 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng.
Tín hiệu tích cực
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ tổ chức hồi trung tuần tháng 12/2023, lãnh đạo Thành phố đã trao 43 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong đó có Dự án Khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Motor GP, do Tập đoàn Pavilion International (Tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu tại Malaysia) đề xuất, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,4 tỷ USD.
Cũng liên quan đến thu hút đầu tư vào Cần Thơ, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo ngày 16/12/2023, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường và lãnh đạo Công ty TNHH AeonMall Việt Nam và các đối tác đã trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư Trung tâm thương mại AeonMall tại Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Tỉnh Hậu Giang cũng đón nhận những tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có khả năng tài chính, năng lực kinh nghiệm quan tâm đăng ký làm chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần Shinec, Liên danh SPG - Hiệp Phước - 620IDIC - VietNaminest, Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings, Công ty cổ phần Địa ốc Stavian...
Trong đó, tỉnh Hậu Giang đã ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; với Công ty cổ phần Tập đoàn Shinec đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và đô thị với diện tích 243 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.000 tỷ đồng...
Cơ hội rộng mở, các địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực tận dụng để bứt phá vươn lên. Những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển được thể hiện khá đầy đủ trong bản Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 13 tỉnh, thành phố trong vùng đến nay đều được phê duyệt.