LPBank góp mặt trong Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I/2024, với vị trí thứ 10, đạt 2.298 tỷ đồng lãi sau thuế. |
Lợi nhuận khả quan
Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại cổ phần, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, danh sách top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất không có sự biến động mạnh, vẫn là những cái tên quen thuộc, nhưng thứ tự đã có sự xáo trộn.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí “quán quân” lợi nhuận ngành ngân hàng khi báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 8.585 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank “soán ngôi” của BIDV để vươn lên vị trí á quân với lợi nhuận sau thuế tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 6.277 tỷ đồng. So với quý I/2023, BIDV đã lùi một bậc xuống vị trí thứ 3, song vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.915 tỷ đồng, cao hơn 6,4% so với cùng kỳ. VietinBank báo lãi sau thuế 5.002 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 18,5% và xếp ở vị trí thứ 4.
Ở khối ngân hàng tư nhân, top đầu có MB với lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tuy giảm 11,2% so với cùng kỳ, nhưng đạt 4.624 tỷ đồng. ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận ròng đạt 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%. Ba vị trí còn lại lần lượt thuộc về HDBank (3.213 tỷ đồng, tăng 46,5%), SHB (3.209 tỷ đồng, tăng 11,4%), VPBank (3.141 tỷ đồng, tăng 90,4%). Đứng thứ 10 trong Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I năm nay có sự góp mặt của LPBank với 2.298 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 84,9% so với cùng kỳ.
Thực tế trên cho thấy, là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng vẫn được đánh giá triển vọng khả quan khi kinh tế tăng trưởng trở lại, lợi nhuận tích cực, cổ tức chia ở mức cao… Đây là các yếu tố tác động lên cổ phiếu “vua”. Trong quý đầu năm nay, không ít cổ phiếu ngân hàng có sự tăng trưởng tích cực khi thông tin về việc chia cổ tức của không ít nhà băng ở mức cao (ACB, Nam A Bank, OCB đều cha cổ tức với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu; HDBank, VietABank… chia cổ tức tỷ lệ đến 30%).
Theo kết quả khảo sát quý II/2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng đánh giá, những nhân tố nội tại tiếp tục có cải thiện so với quý I/2024 và diễn ra trong cả năm 2024, chủ yếu do nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị”. 73,6% tổ chức tín dụng đánh giá đây là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý I/2024 và dự kiến cho cả năm 2024 (tương tự kết quả điều tra của các quý năm 2023).
Chỉ 5,6% tổ chức tín dụng lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2024, chủ yếu do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” cùng với “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị”.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng đánh giá, “chính sách tín dụng, lãi suất thấp và tỷ giá của NHNN tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.
Định giá vẫn hấp dẫn
Giới phân tích tài chính nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng được ví như cổ phiếu vua, bởi ngành này có nhiều dư địa tăng trưởng, cũng như đóng vai trò trụ cột trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tích cực. Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh gần đây, định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn.
Đáng chú ý, các chỉ số P/E, P/B dự phóng ở nhóm cổ phiếu này còn có xu hướng “rẻ” hơn bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, “cơn mưa” cổ tức tiền mặt của các ngân hàng (ở mức cao cho năm 2023 và 2024) đang dần thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư, qua đó tạo đà tăng giá cổ phiếu vua.
Yuanta Việt Nam đánh giá tích cực cổ phiếu ngân hàng dựa trên kỳ vọng thu nhập lãi ròng năm 2024 được cải thiện nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn và chi phí vốn thấp hơn. Định giá của ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn, với dự báo P/B năm 2024 trung vị là 1,1 lần và Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 18%, riêng ROE bình quân của 7 ngân hàng nằm trong danh mục khuyến nghị của Công ty là 20% (bao gồm ACB, BIDV, HDBank, MBBank, Sacombank, Vietcombank, VPBank).
Thực tế, ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn cũng như có mức đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán. Do đó, đây là nhóm có tác động chi phối hàng đầu đến diễn biến thị trường. Định giá ngân hàng theo P/E tăng 15% so với đầu năm, nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với bình quân thị trường. P/E của các ngân hàng có sự tăng trưởng so với đáy vào quý I/2023, song vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cao ghi nhận vào quý II/2021 là 15,2 lần.
Theo số liệu từ WiChart với 27 ngân hàng niêm yết, hệ số giá/lợi nhuận sau thuế (P/E) của nhóm ngân hàng đạt 10,1 lần vào sáng 21/5, tăng 15% so với thời điểm cuối năm 2023, nhưng giảm nhẹ so với cuối quý I/2024. Năm 2024, thu nhập lãi ròng sẽ trở thành động lực chính dựa trên kỳ vọng về mức tăng trưởng tín dụng cao và chi phí vốn giảm. Mục tiêu tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là 14% và các nhà băng kỳ vọng sẽ đạt được ngưỡng này khi cầu vốn trở lại.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể tăng 10-15%, nhưng có sự phân hóa nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi hơn. Trong khi đó, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng phụ thuộc vào nền kinh tế, khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm đi, lợi nhuận khả quan; ngược lại, nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng lớn.
Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. SSI kỳ vọng, hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... hồi phục sớm hơn và ngược lại.