Ngân hàng - Bảo hiểm
Lợi nhuận ngân hàng quý II/2024 có tươi sáng?
Vân Linh - 25/05/2024 09:50
Mặc dù đạt nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của không ít nhà băng đã sụt giảm, nhất là ở ngân hàng nhỏ.

Có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng

Theo thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại cổ phần, tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của các ngân hàng đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, danh sách top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2024 không có sự biến động mạnh, vẫn là những cái tên quen thuộc như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank. Tuy nhiên, thứ tự của bảng xếp hạng đã có sự xáo trộn.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí “quán quân” lợi nhuận ngành ngân hàng khi báo lãi sau thuế quý 1/2024 đạt 8.585 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank đã “soán ngôi” BIDV để vươn lên vị trí á quân với lợi nhuận sau thuế tăng 38,3% so với cùng kỳ, lên 6.277 tỷ đồng.

So với cùng kỳ quý I/2023, BIDV đã lùi một bậc xuống vị trí thứ 3 khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.915 tỷ đồng, cao hơn 6,4% so với cùng kỳ. VietinBank báo lãi sau thuế 5.002 tỷ đồng quý I/2024, cao hơn năm trước 18,5% và xếp ở vị trí thứ 4.

MB kết quả không mấy thuận lợi nên lợi nhuận sau thuế giảm 11,2% còn 4.624 tỷ đồng. ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận ròng đạt 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%.

Kế đến là HDBank (3.213 tỷ đồng, tăng 46,5%), SHB (3.209 tỷ đồng, tăng 11,4%) VPBank (3.141 tỷ đồng, tăng 90,4%). Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý I/2024 có sự góp mặt của LPBank với 2.298 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 84,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Sacombank đạt 2.111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11,1% so cùng kỳ; TPBank đạt 1.462 tỷ đồng (tăng 3,5%); SeABank đạt 1.201 tỷ đồng (tăng 40,7%); OCB đạt 953,5 tỷ đồng (tăng 21,3%); Nam A Bank đạt 798,1 tỷ đồng (tăng 31%); KienlongBank đạt 170,6 tỷ đồng (tăng 5,6%); BVBank đạt 55,2 tỷ đồng (tăng 171,7%).

Lợi nhuận ngân hàng năm 2024 được nhận định tăng khoảng 10-15%.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ngân hàng lợi nhuận sau thuế giảm. Trong đó, ABBank giảm mạnh nhất, tương ứng giảm 68,5% so với quý I/2023. VietBank giảm 63,6% (57,4 tỷ đồng); Saigonbank giảm 36,3% (63,4 tỷ đồng); PGBank giảm 24,2% (92,8 tỷ đồng); VietA Bank giảm 7,7% (202,7 tỷ đồng); VIB giảm 7,1% (2.001 tỷ đồng); MSB giảm 2% (1.193 tỷ đồng); Eximbank giảm 24,3% (527,2 tỷ đồng).

Kết quả khảo sát quý II/2024 của NHNN cho thấy, các TCTD đánh giá các nhân tố nội tại sẽ tiếp tục có cải thiện so với quý I/2024 và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” với 73,6% TCTD đánh giá là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý I/2024 và dự kiến cho cả năm 2024 (tương tự kết quả điều tra của các quý năm 2023).

Chỉ 5,6% TCTD lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” cùng với “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị”.

Đồng thời, các TCTD đánh giá “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý IV/2024 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” và “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị”.

Bên cạnh đó, “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động tiêu cực làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I/2024 và dự kiến cả năm 2024.

Có tươi sáng nửa cuối năm?

Kết quả điều tra của NHNN cũng cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 chưa được như nhận định và kỳ vọng của các TCTD tại kỳ điều tra trước.

Các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2024, nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cho cả năm 2024 với 70,9-72,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II/2024 và cả năm 2024.

Các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 11,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm.

“Năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 10,1% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi”, kết quả điều tra cho biết.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, kỳ vọng sự phục hồi của ngành sẽ diễn ra rõ rệt trong nửa cuối năm. Theo đó, VPBanks dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Nhìn chung các ngân hàng lớn đều dự báo được tăng trưởng tín dụng dương mạnh hơn so với mức tăng trưởng của năm trước, trong khi đó các ngân hàng nhỏ sẽ khó có vị thế cạnh tranh hơn và vì thế cũng không có mức tăng trưởng tốt bằng.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của thị trường không hỗ trợ thì ROE toàn ngành đang có xu hướng giảm lần lượt từ 19,8% xuống 15,9% còn ROA toàn ngành đang giảm từ 1,5% xuống 1,4% từ năm trước đến năm nay. Theo VPBankS, năm 2024 có thể kỳ vọng ROE và ROA tăng trở lại với mức tăng lợi nhuận cao hơn so với năm trước và mức tăng vốn sẽ chậm lại so với các năm gần đây.

Tuy nhiên, về tình hình chất lượng tài sản, nợ xấu (NPL) tính theo năm liên tục tăng từ thời Covid đến hiện tại. VPBankS cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành hiện tại vẫn ở mức 1,9%, khá cao so với năm 2022 là 1,7%, tức tăng 12%.

NHNN mới đây chính thức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi về Thông tư 02/2023, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn, nội dung kéo dài cho đến hết năm 2024 thay vì tới tháng 6 này.

Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa, nợ xấu tiếp tục được “che giấu” và khi Thông tư 02 hết hiệu lực nếu ngân hàng chưa thu hồi được thì nợ xấu sẽ còn tăng cao. Nợ xấu tăng lên cũng là mối lo ngại lớn mà nhiều lần các lãnh đạo của cơ quan tổ chức tín dụng nhắc đến từ đầu năm đến nay.

Kết quả điều tra của NHNN, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD dự báo tiếp tục tăng trong quý II/2024, nhưng với xu hướng tăng chậm lại. Tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2024 được các TCTD đánh giá có xu hướng “tăng nhẹ” trong khi kỳ vọng cuối năm ngoái là “giảm nhẹ”. Nhưng điểm tích cực là xu hướng giảm đã thu hẹp đáng kể so với quý IV/2023, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý II/2024.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích nhận định, tại thời điểm cuối năm 2023, NHNN đã công bố tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,55%, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,03% vào cuối năm 2022. Theo ông Thịnh, còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ thì lợi nhuận của các ngân hàng nếu được tính đúng, tính đủ chắc sẽ không thể “đẹp” như trong các báo cáo tài chính mà họ công bố.

Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng của 28 ngân hàng trong hệ thống ở mức khoảng 2% trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên tổng số nợ xấu tăng đến 14% về quy mô.

Tin liên quan
Tin khác