Doanh nghiệp
Trịnh Lan Phương, CEO BiboMart: “Tiếc khi nhiều chủ doanh nghiệp không còn tinh thần khởi nghiệp như anh Phạm Nhật Vượng"
Anh Hoa - 19/09/2017 16:27
Khi nghe nói cả dàn founder của một doanh nghiệp bán lẻ thuộc hàng đầu Việt Nam vừa quyết định hưu non, nhường lại sân cho lớp kế cận, bà Trịnh Lan Phương, CEO BiboMart đã rất lấy làm tiếc.
Bà Trịnh Lan Phương hiện đang nổi lên như một doanh nhân thành đạt và tâm huyết với thị trường bán lẻ mảng mẹ và bé

Bà mẹ 4 con, Trịnh Lan Phương sáng lập chuỗi bán lẻ mẹ và bé đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về cuộc sống gia đình, định hướng nghề nghiệp cho 4 con trên facebook cá nhân của mình.

Bên cạnh đó, bà có nhiều tâm trạng khi chứng kiến công nghệ đang thay đổi mọi trật tự xã hội: phân chia lại ngành nghề, lao động, giá trị... Trên thế giới, những chuỗi cửa hàng ngàn điểm bán vượt xa cầu thị trường, những nhà bán lẻ chỉ bán sản phẩm vô tri, những lao động chỉ làm công việc không cần đến sáng tạo - tri giác... đang là người chịu tác động đầu tiên.

Không chỉ là doanh nhân xinh đẹp, bà Phương còn được biết đến với việc chi hàng triệu USD để đầu tư vào công nghệ, thuê cựu CEO của Walmart, 7 - Eleven về làm việc. Nhằm giúp Bibo Mart trở thành chuỗi cửa hàng lớn nhất thị trường bán lẻ mẹ và bé tại Việt Nam hiện nay, với quy mô đang được đánh giá ở mức 7 tỷ USD.

Do đó, những người  "cầm trịch" như bà Phương cần một sự thức tỉnh và làm mới, định hình lại đường đi và cách làm. Trăn trở với bảo tồn lợi thế cốt lõi khi vẫn bắt kịp với xu hướng tiêu dùng mới. Trăn trở với việc tạo nên giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm, mang những cảm xúc và trải nghiệm vào mọi điểm tiếp xúc với khách hàng. Trăn trở với kết nối các nguồn lực và hợp lực... Mọi thứ đều mới mẻ và đòi hỏi tư duy đột phá, không khác gì khởi nghiệp lần 2.

Bà Phương cảm thấy rất tiếc khi nghe nói cả dàn founder của  một doanh nghiệp bán lẻ thuộc hàng đầu Việt Nam vừa quyết định "hưu non", nhường lại sân cho lớp kế cận.

Theo bà Phương, Founder là lý tưởng, là bộ gen, là ngọn hải đăng... nếu lý tưởng không còn, bộ gen sẽ biến tướng, ngọn hải đăng đã tắt... tinh thần chiến đấu sẽ khác.

Bà Phương sợ rằng mình cũng sẽ trở thành một "trung niên lười biếng". Tức là một trung niên mới có tí tiền đã thoả mãn, mới có tí danh đã tự mãn, mới có tí tài đã vênh vang, mới lên sàn xong đã thu tiền nghỉ hưu mất...

Quá trình tiến hoá của một doanh nhân có mấy cấp độ: Khởi nghiệp phải lo làm sao tồn tại; Tồn tại rồi phải lo làm sao phát triển; Phát triển rồi phải lo làm sao trở thành doanh nghiệp có giá trị; Giàu rồi nếu đủ tầm phải vun đắp cho nhân loại (đối với những nước đã phát triển) và cho dân tộc (mình còn nghèo lo cho dân mình trước đã).

Để thay đổi các nền tảng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho thế hệ sau, cần trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc và sự hy sinh của các doanh nhân.

“Tiếc là rất nhiều chủ doanh nghiệp chọn hưu non thay vì "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" để tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng như anh Phạm Nhật Vượng. Bảo sao quy mô các công ty Việt Nam cứ manh mún, dần bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại và Việt Nam vẫn không có các doanh nghiệp vài chục tỷ đô”, bà Phương chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác