Đầu tư
Trình Quốc hội thí điểm 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công
Nguyễn Lê - 04/01/2022 11:08
Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp bất thường tại điểm cầu Diên Hồng.

Bên cạnh chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ còn trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Báo cáo Quốc hội sáng 4/1 trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ, thận trọng, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình.

Thứ nhất, chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín; cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu trong hợp đồng mức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm được cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ gói thầu từ 3 tháng trở lên. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm toán, thanh tra nhất là trước, trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Hai, cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép. Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản, nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Ba, phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn; Bộ Giao thông vận tải thực hiện các đoạn tuyến/dự án còn lại theo quy định và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/dự án và phần vốn giao cho địa phương.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng vào cuộc, tham gia giám sát ngay từ đầu việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án thuộc Chương trình.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, về cơ chế thứ nhất, Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định của Luật Đấu thầu, thẩm quyền nêu trên thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ .

Thực tế, qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án giao thông BOT thời gian qua cho thấy việc chỉ định thầu (trong đó có các gói thầu tư vấn) dẫn đến các nhà thầu không bảo đảm năng lực gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, đa số ý kiến cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu. Có ý kiến đề nghị đẩy mạnh đấu thầu qua mạng do ưu điểm rút ngắn được thời gian và bảo đảm sự minh bạch, công khai. Có ý kiến đề nghị nếu Chính phủ thấy cần thiết thì đưa nội dung này vào sửa đổi trong Luật Đấu thầu (đang được Quốc hội xem xét tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật).

Về cơ chế thứ hai, báo cáo thẩm tra nêu rõ, qua kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian cấp phép khai thác mỏ vật liệu là do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế (công tác tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, khảo sát mỏ vật liệu chưa tốt; công tác phối hợp giữa cơ quan trung ương với các cấp chính quyền địa phương trong việc cấp phép mỏ còn hạn chế; một số địa phương chưa quan tâm và quyết liệt trong việc đẩy nhanh quy trình cấp mỏ vật liệu).

Hơn nữa, theo Tờ trình, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/06/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (sửa đổi bởi Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021). Do vậy, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện theo các Nghị quyết của Chính phủ và có giải pháp quyết liệt để xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện.

Có ý kiến đề nghị quy định thủ tục cấp phép rút gọn để tránh lạm dụng, tràn lan; rà soát nguyên nhân của việc cấp phép khai thác mỏ đất mất nhiều thời gian để khắc phục; phân tích kỹ ưu, nhược điểm của giải pháp Chính phủ đề xuất. Trường hợp cần thiết đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này, không áp dụng cơ chế này đối với các dự án khác.

Về cơ chế thứ ba, cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ đã đánh giá những hạn chế, bất cập của cơ chế này như: chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật (Luật Đầu tư công, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước…); khó bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chất lượng và tiến độ của dự án. Chênh lệch lớn trong mức giá đền bù tại các điểm giáp ranh giữa các tỉnh sẽ dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Hơn nữa, năng lực quản lý đầu tư đường cao tốc của các địa phương hiện nay còn rất hạn chế, khi đa số các địa phương chỉ mới quản lý đầu tư các tuyến bộ đường cấp III trở xuống, trong khi đường bộ cao tốc là công trình cấp đặc biệt.

Đồng thời, các dự án đường bộ cao tốc dự kiến giao cho các địa phương có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 20.000 tỷ đồng), hơn cả tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của một số địa phương có dự án đi qua, trong khi đó việc giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện nay của các địa phương còn rất chậm.

 Do đó, đa số ý kiến cho rằng, việc giao thêm cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đường bộ cao tốc có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, việc giải ngân vốn của cả các dự án đường bộ cao tốc và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Chiều nay, Quốc hội thảo luân tại tổ về gói chính sách hỗ trợ chương trình phục  hồi, phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có chính sách đặc thù nêu trên. 

Tin liên quan
Tin khác