- Arashima Yuya, nhà sáng lập Star Kitchen: Mang phong vị bánh Nhật Bản đến Việt Nam
- Hà Tiến Đạt, nhà sáng lập YouthPlus: Người dẫn lối giới trẻ trên hành trình lập nghiệp
- Nguyễn Hoàng Phương, Nhà sáng lập Piktina: Lan tỏa xu hướng thời trang bền vững
- Doanh nhân Nguyễn Kim Toản: Đưa sông Sài Gòn thành “dòng chảy vàng”
Trịnh Thị Hồng, nhà sáng lập Minh Hồng Biotech |
Bà Trịnh Thị Hồng không chỉ tạo ra “cần câu cơm” cho hàng chục hộ gia đình khó khăn của TP. Đà Nẵng, mà còn sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng để cùng lan tỏa xu hướng sống “xanh”.
Biến rác thành tiền
Nếu hỏi thăm cư dân của phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, không ai không biết bà Trịnh Thị Hồng. Người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt tròn phúc hậu này chính là hạt nhân quan trọng, đứng sau hàng loạt mô hình cộng đồng, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, như Tổ góp vốn tình thương, Tổ tiết kiệm 2T (tiết kiệm và tận dụng) hay mô hình Đội thiếu niên bảo vệ môi trường.
Tình cờ vào năm 2011, khi xe rác gặp sự cố trong suốt 4 ngày, khu dân cư của bà phải chịu cảnh rác thải ứ đọng, bốc mùi xú uế, người phụ nữ sinh năm 1965 này chợt nghĩ: “Giá như rác này có thể biến thành tiền, thì bà con phường Hòa Minh lợi biết mấy”. Mọi chuyện tưởng chừng chỉ nằm trong suy nghĩ, thì đến năm 2012, nhờ những đóng góp tích cực trong công tác cộng đồng, bà được một tổ chức phi chính phủ mời sang Philippines chia sẻ kinh nghiệm.
Bà Trịnh Thị Hồng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP. Đà Nẵng, là cố vấn cho nhiều mô hình khởi nghiệp trên con đường hình thành và phát triển.
Trong chương trình hội thảo, bà Hồng được nghe chuyên gia nước ngoài nói về mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành dung dịch lau nhà. Mừng như bắt được vàng, bà nhờ người trong đoàn phiên dịch lại công thức ra tiếng Việt.
Trở về nhà, bà tự thu gom rác thải từ rau củ thừa, vỏ trái cây, thậm chí cả hoa cúng rằm để nghiên cứu thêm. “3 đường, 3 rác, 10 nước”, công thức nghe qua tưởng đơn giản, nhưng bà phải mất tới 4 năm làm đi, làm lại mới thành công. Thời gian đó, ai cũng nói bà điên và khuyên bà từ bỏ, nhưng Trịnh Thị Hồng vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình.
“Tôi tin rằng, nếu làm được, không ít người nghèo có thể kiếm tiền từ mô hình này”, bà Hồng chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư.
Năm 2016, sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà Hồng đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân địa phương. Bà thành lập Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng (Minh Hồng Biotech) để tiến hành bao tiêu sản phẩm. Nguồn chế phẩm thu từ các hộ gia đình sẽ được Minh Hồng Biotech tiến hành xử lý khử độc, khử trùng, nâng pH theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tạo bọt, tạo đặc, đóng gói và xuất xưởng.
Hiện nay, Minh Hồng Biotech hợp tác với gần 100 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, trong đó mỗi hộ có thu nhập 3-7 triệu đồng/tháng, tùy sản lượng. Bà Hồng tiết lộ, sau thời gian phải “cắm sổ đỏ” vay ngân hàng để có tiền khởi nghiệp vào năm 2016, tình hình kinh doanh của Minh Hồng Biotech đã khả quan hơn. Từ năm 2019, doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh có lãi và tự chủ được dòng tiền.
Vì một nền kinh tế tuần hoàn
Từ nguồn rác thải rau củ được ủ lên men, trải qua quy trình xử lý, Minh Hồng Biotech đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm chủ đạo, gồm nước rửa bát, nước lau sàn và nước giặt xả. Các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nên không gây kích ứng với người dùng, đồng thời phân hủy tới 99,4% nếu thải ra môi trường, trong khi giá rẻ hơn 1,5 - 9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường.
“Riêng với nước lau sàn làm từ rác hữu cơ, khi tưới cho cây thì cây tốt; khi đổ xuống cống sẽ tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy; không gây tắc cống, mà có khả năng nuôi cá, tôm”, nhà sáng lập Trịnh Thị Hồng chia sẻ.
Với phần xác rau củ còn lại sau khi đã chiết xuất dung dịch, bà Hồng hướng dẫn người dân phối trộn thêm một số thành phần, tạo thành phân hữu cơ compost. Bà đứng ra kết nối với một số khách sạn để tiêu thụ nguồn phụ phẩm này cho người dân.
Hiện tại, Minh Hồng Biotech thông qua các đại lý phân phối, triển khai mô hình thu mua bao bì để tái sử dụng. Với mẫu can 4,5 lít, khi mang trả lại đại lý, khách hàng có thể nhận về 5.000 đồng/chiếc, còn mẫu 1,7 lít là 2.000 đồng. Nguồn phế liệu này, nếu còn đủ chất lượng sẽ được Minh Hồng Biotech tái sử dụng; trong khi phần kém hơn sẽ được tặng lại cho Hội Phụ nữ phường Hoà Minh để bán đi gây quỹ. Ngoài ra, để hạn chế rác thải nhựa, Minh Hồng Biotech cũng giảm giá cho những khách hàng đem chai tới rót mang về.
Là người đầu tiên đưa công thức tái chế rác thải hữu cơ thành chất tẩy rửa an toàn về Việt Nam, đến nay, bà Trịnh Thị Hồng đã đi khắp nơi để chia sẻ về nguyên lý và cách phát triển mô hình. Dựa trên công thức của bà, nhiều start-up tái chế rác thải đã ra đời sau Minh Hồng Biotech, từ đó cùng nhau phát triển nền kinh tế tuần hoàn và giúp người dân nhìn nhận tốt hơn về xử lý chất thải.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thành tựu làm bản thân tự hào nhất trên suốt hành trình khởi nghiệp, nhà sáng lập Trịnh Thị Hồng khẳng định: “Tôi nghĩ, mọi chuyện đều bình thường thôi. Tôi là đứa trẻ mồ côi, lớn lên trong vòng tay yêu thương của cộng đồng, nên những việc hôm nay cũng coi như một sự tri ân của tôi với cộng đồng”.
Năm 2024, bà Hồng đặt mục tiêu tối ưu hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh đầu ra để có thể hỗ trợ nhiều hộ gia đình tham gia dây chuyền của Minh Hồng Biotech. Bà cũng ấp ủ kế hoạch đưa thêm 3 dòng sản phẩm hữu cơ khác ra thị trường vào năm tới.