Trịnh Thị Ngọc Hiện, sáng lập Anfoods. |
Hiệu quả kinh tế từ rừng ngập mặn
Dự án Kinh doanh với người giữ rừng được điều hành bởi Công ty cổ phần Anfoods (trụ sở tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), chuyên cung cấp mặt hàng thủy hải sản nước mặn theo phương pháp nuôi trồng tự nhiên như cá kèo, cá rô phi nước lợ, cua biển, tôm sú thiên nhiên…
Sau khi thu mua sản phẩm từ người dân, vốn là các hộ được Nhà nước giao khoán việc giữ rừng ngập mặn, Anfoods tiến hành cấp đông, hút chân không, đóng gói bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu rồi đưa vào các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Sau gần 4 năm hoạt động, Anfoods có hơn 20 khách hàng thường xuyên là doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, chiếm 80% doanh số bán sỉ; còn lại, Công ty bán lẻ qua website nguoigiurung.vn. Trung bình mỗi tháng, Anfoods xuất đi hơn 3,5 tấn thủy, hải sản.
Ngọc Hiện cho biết, các hộ dân muốn tham gia chuỗi cung ứng của Anfoods phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe, không được sử dụng các công cụ đánh bắt gây tổn hại đến hệ sinh thái như chích điện, thuốc nổ…; tôm, cua, cá khi thu hoạch phải đạt kích cỡ trưởng thành để tránh ảnh hưởng đến nguồn cung tự nhiên. Đổi lại, người dân sẽ được Anfoods đảm bảo đầu ra, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
“Chúng tôi tự hào khi Anfoods là một trong những nhân tố chính giúp giá thu mua thủy, hải sản tại địa phương tăng hơn 30% kể từ đợt hạn hán 2015 - 2016”, Ngọc Hiện nói.
Bên cạnh đó, Anfoods còn tạo thêm thu nhập cho người dân bằng cách tổ chức các tour du lịch sinh thái trong ngày, đưa du khách đến tham quan rừng ngập mặn và trải nghiệm cuộc sống của những người giữ rừng ở khu vực này. Năm 2019, Công ty đã tổ chức cho 700 lượt khách tham quan.
Mô hình này đang được thử nghiệm để mang đến cảm giác trải nghiệm thực sự thú vị cho du khách vì được lưu trú tại nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với họ. Dù có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, nhưng sự hài lòng và yêu quý của du khách là minh chứng cho thành công bước đầu của mô hình. Đến nay, đã có hơn 100 ha rừng ngập mặn tham gia hệ thống Anfoods, chiếm hơn 10% diện tích rừng tại các xã Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).
“Công ty và người nông dân địa phương chỉ thiếu nước ngọt sinh hoạt, chứ sản phẩm thì không bị ảnh hưởng nhiều, do sống chung với nước mặn đã lâu rồi”, Ngọc Hiện cười và nói.
Mô hình kinh doanh thuận tự nhiên
Ký ức tuổi thơ của Ngọc Hiện được in đậm bởi những lần gia đình chị và người dân trong xóm bàn nhau chuyện chống mặn. Có lẽ vì thế, chị luôn ước mơ tìm ra giải pháp sống chung với mặn, thích ứng với biến đổi của thiên nhiên.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Ngọc Hiện về làm việc tại Trung tâm Chuyển giao công nghệ - dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam).
Tại đây, Ngọc Hiện có hơn 5 năm làm việc với các tổ chức phi chính phủ như Chương trình Hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Tổ chức Bảo tồn nhiên nhiên quốc tế thông qua Dự án Tài trợ và phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở các vùng ngập mặn.
Tuy nhiên, sau khi Dự án kết thúc, người dân không có đủ điều kiện để duy trì mô hình, nên lại quay về lối sống cũ. Đây chính là lúc, Ngọc Hiện quyết tâm thực hiện ước mơ mà mình đã ấp ủ bấy lâu.
Theo quan sát của Ngọc Hiện, những người giữ rừng ở địa phương được khoán khoảng 10 ha, với mức chi trả chỉ 100.000 đồng/ha/năm. Số tiền quá ít ỏi, nên họ phải kiếm thêm thu nhập từ việc nuôi trồng thủy, hải sản dưới tán rừng.
Đây là những loại thủy, hải sản được nuôi trồng tự nhiên, rất phù hợp với xu hướng tiêu thụ thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhất là tại các thành phố lớn, nhưng do phân phối chủ yếu qua các chợ địa phương, nên giá bán không cao.
Ngọc Hiện quyết định thử sức. Ban đầu, chị tới từng nhà thuyết phục người dân tham gia, thu gom của mỗi hộ từ vài chục kilogram hải sản. “Vốn ít, lại phải cạnh tranh với những thương lái lâu năm, quá trình hoạt động và gây dựng thương hiệu Anfoods trong những ngày đầu quả thực rất chông gai”, Ngọc Hiện chia sẻ.
Một trong những khó khăn lớn nhất là việc nuôi trồng thủy, hải sản tự nhiên phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết, mùa vụ; một số loài sinh sản theo mùa, nên không dễ để đa dạng hàng hóa và đảm bảo nguồn cung dồi dào quanh năm.
Chính vì vậy, Ngọc Hiện xác định, chất lượng thủy hải sản sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho mô hình khai thác thuận theo tự nhiên mà Anfoods đang theo đuổi. Nhờ đó, dần dần, những chuyến xe vận chuyển sản phẩm tới các thành phố lớn dưới thương hiệu Anfoods nhiều lên, mỗi tháng tăng dần lên vài trăm kilogram, rồi vài tấn. Nhân sự của Anfoods hiện có khoảng 10 người, cùng vài chục công nhân thời vụ.
Dù hạn mặn không gây ảnh hưởng đến các sản phẩm, nhưng từ đầu năm đến nay, Anfoods cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của Covid-19. Công ty đã ngừng hoạt động du lịch sinh thái, ngoài ra, sức tiêu thụ thủy, hải sản ở các thành phố lớn cũng đang bị giảm sút do người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn.
Dẫu vậy, Ngọc Hiện vẫn rất lạc quan. Chị cho biết, Anfoods duy trì bán cho khách quen qua website. Thời gian này, chị cũng tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động du lịch sinh thái, để khi dịch bệnh đi qua sẽ đẩy mạnh trở lại.
Trong năm nay, Ngọc Hiện ấp ủ kế hoạch mở rộng mô hình du lịch cộng đồng với sự lớn mạnh của Hợp tác xã Thủy sản sinh thái Thạnh Phước nhằm giúp người nông dân an tâm canh tác tự nhiên với rừng ngập mặn, ổn định đầu ra với giá tốt và tăng thu nhập từ hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng do chính người dân địa phương tổ chức phục vụ.
Bảo vệ rừng ngập mặn
“Rừng ngập mặn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao. Vì vậy, bảo vệ môi trường ven biển có vai trò rất quan trọng. Tôi nghĩ, ai cũng yêu thiên nhiên, nhưng nhiều người chưa có dịp tiếp xúc để hiểu cuộc sống của những người giữ rừng ngập mặn. Các hoạt động du lịch như vậy sẽ thắt chặt hơn sợi dây liên kết này”, Ngọc Hiện chia sẻ.