Tiêu dùng
Trợ lực để xuất khẩu tăng tốc
Thế Hải - 13/03/2022 10:06
Sự trưởng thành của doanh nghiệp, ngành hàng chủ lực, cộng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của 15 FTA đang có hiệu lực đã tạo đà để xuất khẩu tăng tốc ngay từ đầu năm.

Nhiều ngành hàng lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

Báo cáo sản xuất thương mại, công nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Bộ Công thương ghi nhận, Chỉ số Sản xuất công nghiệp 2 tháng qua tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất thiết bị điện tăng 27,9%; sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược tăng 15%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) tăng 10,2%...

Là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu với 15 FTA đang thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á, đang sản xuất hàng hóa cho một số thương hiệu lớn về công nghệ, hàng may mặc và đồ thể thao.

Năm qua, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chính của hãng giày thể thao Nike (Mỹ). Theo báo cáo tài chính của Nike, năm 2021, khoảng 51% số giày thể thao của Hãng được sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm còn 21%.

Mới đây, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, ông Kasper Rorsted, Tổng giám đốc Tập đoàn Adidas cũng khẳng định: “Việt Nam vẫn là địa bàn sản xuất trọng yếu hàng đầu của Adidas”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, ngành da giày Việt Nam thu hút được Nike hay Adidas và đơn hàng ngày càng tăng chủ yếu nhờ có nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Chi phí nhân công tuy không còn rẻ, nhưng vẫn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.

Năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến tăng trưởng toàn ngành da giày đạt thấp, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu túi xách, vali, mũ… bắt đầu tăng tốc trở lại, với mức tăng 11,5%, kim ngạch đạt 540 triệu USD.

Các FTA hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu

Nhấn mạnh vai trò hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) dẫn chứng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là FTA với 27 quốc gia EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã tác động tích cực thấy rõ tới xuất khẩu. Khi sản xuất, vận chuyển chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thì mắt xích sản xuất tại Việt Nam vẫn được duy trì đã nối liền mạch cung ứng cho các nhà mua hàng.

Ngành giày dép có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cao nhất, trên 90%, tiếp theo là các ngành thủy sản (73%); rau quả (62%); túi xách, vali (gần 54%)...

Đóng góp gần 40 tỷ USD trong năm 2021, ngành dệt may được nhận định có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhờ hệ thống FTA đang thực thi. Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu ở kịch bản cao được ngành dệt may đặt ra là trên 43 tỷ USD.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, hiện nay, toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022. Thậm chí, một số mặt hàng như veston sau khoảng 15 tháng liên tiếp bị sụt giảm đơn hàng vì đại dịch, thì năm nay đã kín đơn hàng đến hết tháng 9/2022. Doanh nghiệp đang mở rộng năng lực sản xuất.

Chia sẻ về việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA hiện có, ông Việt cho biết, May 10 đang phát huy lợi thế từ 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA, trong đó, việc khai thác các thị trường là thành viên EVFTA thuận lợi hơn, bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu còn rất thấp.

Có thể thấy, vượt qua 2 năm đại dịch đầy thách thức, đến nay, các doanh nghiệp đều đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó, xoay chuyển tình thế để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Sự thích ứng này thể hiện ở mức tăng trưởng xuất khẩu 19% và xuất siêu trên 4 tỷ USD trong năm 2021.

Bước sang năm thứ 3 đại dịch, khi vắc-xin phòng Covid-19 đã được bao phủ ở mức cao, việc giữ cho các nhà máy luôn sáng đèn, sản xuất đạt hiệu suất cao chắc chắn là điểm nhấn để các nhà mua hàng tiếp tục chọn Việt Nam là đối tác.

Một tín hiệu tốt lành là lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 kể từ khi Covid-19 bùng phát. Những động thái này được kỳ vọng sẽ góp phần đưa xuất khẩu cán đích mục tiêu tăng trưởng 6 - 8% trong năm nay.

Tin liên quan
Tin khác