Đầu tư
Trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics: Định hướng chiến lược của tỉnh Hậu Giang
Trúc Giang - 29/05/2023 14:04
Hàng loạt công trình, dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai trên địa bàn sẽ tạo thêm động lực để Hậu Giang hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hậu Giang định hướng phát triển 3 vùng sinh thái công nghiệp với nhiều cơ chế để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh - giai đoạn I (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)

Động lực phát triển

Đầu năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025), với tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65 km. Dự kiến, vào tháng 6 tới, tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng. Tiếp theo đó, dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu cũng được triển khai đầu tư theo quy hoạch.

Khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, Hậu Giang sẽ nằm ngay vị trí giao cắt giữa các tuyến đường cao tốc, đóng vai trò là trung tâm kết nối trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, các dự án cao tốc đi qua địa phương sẽ tạo dư địa để tỉnh mở rộng không gian phát triển về đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đón đầu cơ hội này, định hướng giai đoạn 2021 - 2030, Hậu Giang quy hoạch 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.800 ha, cùng với đó là các trung tâm đô thị.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng chiến lược với tư duy đột phá theo quan điểm “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm” trên 3 mặt chiến lược không gian, chiến lược kinh tế và chiến lược quản lý. Trong đó, đưa không gian phát triển ngành công nghiệp trở thành động lực chủ yếu của nền kinh tế, thực hiện phương châm “Một tâm, hai tuyến, ba thành”.

Hậu Giang cam kết mạnh mẽ, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Cụ thể, phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn; tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu; ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang dành toàn bộ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh để đầu tư các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh tập trung rà soát, triển khai một số công trình giao thông trọng điểm để tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các tuyến kết nối với đường cao tốc, quốc lộ, kết nối thông thương nội tỉnh, kết nối tỉnh với các địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, Hậu Giang sẽ từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trọng yếu của tỉnh: mở rộng Quốc lộ 61C (tuyến nối TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP. Cần Thơ); đường tỉnh 931 (đoạn từ Vĩnh Viễn đến Xẻo Vẹt); đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng; dự án kết nối giao thông đường thủy, đường bộ 925B và kênh Nàng Mau.

Về giao thông thủy, tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy quan trọng như: kênh Lái Hiếu, Nàng Mau, Cái Côn, Xà No và Quản lộ - Phụng Hiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu thông thương, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Phát triển 3 vùng sinh thái công nghiệp

Công nghiệp được xác định là ngành giữ vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang, được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác.

Hậu Giang ưu tiên lựa chọn thu hút đầu tư các doanh nghiệp, dự án công nghiệp có tiềm năng, đóng góp lớn vào ngân sách, doanh nghiệp sử dụng lao động trong tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến (rau, củ, quả, thủy sản, lúa gạo…) gắn với vùng nguyên liệu của địa phương, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu; công nghiệp chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện khí…).

Theo quy hoạch, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển 3 vùng sinh thái công nghiệp. Cụ thể, vùng công nghiệp thứ nhất nằm ở khu vực huyện Châu Thành, Châu Thành A. Trọng tâm của khu vực này là phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dược, mỹ phẩm, các cụm ngành logistics, chế biến nông sản, có liên quan tới đầu vào là sản phẩm nông nghiệp quy mô vùng.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang”. 

Vùng công nghiệp thứ hai ở khu vực giao giữa hai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tại huyện Phụng Hiệp. Vùng công nghiệp này tận dụng thế mạnh ở điểm giao hai cao tốc, liên kết theo trục dọc sông Hậu và trục Bắc - Nam. Vùng này chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, công nghệ môi trường, công nghiệp chế tạo.

Vùng công nghiệp thứ ba ở khu vực giao giữa hai cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại huyện Long Mỹ.

Định hướng 3 vùng công nghiệp này tập trung thành những vùng công nghiệp lớn, cấu trúc đất xây dựng công nghiệp được đan xen với những yếu tố sinh thái, cảnh quan, đô thị.

Để hiện thực hóa quy hoạch, tỉnh Hậu Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp, như lập quy hoạch và kế hoạch chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp; ưu tiên nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu - cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng giao thông cho các tuyến đường kết nối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Trung tâm logistics của vùng

Nằm ở khu vực Nam sông Hậu, tiếp giáp với TP. Cần Thơ, Hậu Giang có lợi thế đặc biệt là trung tâm trung chuyển, kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam sông Hậu với phần còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các vùng kinh tế khác của cả nước thông qua các tuyến giao thông thủy, bộ như: sông Hậu, các tuyến quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (cách các khu công nghiệp của tỉnh Hậu Giang khoảng 20 - 30 km).

Vị trí địa lý của Hậu Giang thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu ĐBSCL. Tỉnh cũng có vị trí hấp dẫn để các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồ uống đặt nhà máy sản xuất hoặc tổng kho phân phối phục vụ thị trường khoảng 18 triệu dân ở ĐBSCL. Ngoài ra, nằm ở vị trí trung tâm, tiếp giáp giao thông thủy, Hậu Giang là địa điểm rất thuận lợi để làm tổng kho phân phối các mặt hàng có tải trọng lớn như vật liệu xây dựng, chất đốt… Vị trí lợi thế của Hậu Giang là cơ hội để đầu tư phát triển dịch vụ logistics.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 trung tâm logistics đã hoàn thành và 2 dự án trung tâm logistic đang triển khai đầu tư xây dựng, gồm: Trung tâm Logistics Mekong; Khu trung tâm Logistics Hậu Giang; Khu trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang; Dự án Tổng kho phân phối Mê Kông; Dự án Colde Store Logistics Hậu Giang.

Song song với việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics đang trong giai đoạn đầu tư, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư trung tâm dịch vụ logistics tại các cụm công nghiệp trong tỉnh, hướng đến hình thành một hệ thống dịch vụ logistics liên thông, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án phát triển dịch vụ logistics có quy mô lớn, hiện đại, có sức lan tỏa lớn đến các ngành, lĩnh vực khác, nhất là các dự án hệ thống kho lạnh, hệ thống phân phối, trung tâm logistics, cảng biển để giải quyết nút thắt quan trọng của Hậu Giang cũng như ĐBSCL.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ logistics nói riêng, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được niêm yết, công bố và kịp thời hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp.

Hậu Giang cam kết mạnh mẽ, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện nhất quán tuyên ngôn “Một văn hóa, một ngôn ngữ”, Hậu Giang hành động vì chung một mục tiêu, chung một công việc, chung một hành động, vì sự phát triển của tỉnh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; chuyển tư duy từ “quản lý hành chính” sang “phục vụ”, từ “cho phép, cấp phép” sang “được phép”, lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ để hướng các cơ chế chính sách, các trải nghiệm tốt nhất tới doanh nghiệp và người dân.

Tin liên quan
Tin khác