Đầu tư
Trồi sụt quy mô vốn Dự án metro số 2 Hà Nội
Anh Minh - 16/03/2021 10:37
Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang phải chạy lại thủ tục từ đầu với nhiều cấn cá về quy mô vốn, tiến độ triển khai.
Phối cảnh ga ngầm C9 của tuyến metro số 2 tại phố Đinh Tiên Hoàng

Loay hoay điều chỉnh

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 1920/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án metro số 2 Hà Nội).

Đây là một trong những bộ, ngành cuối cùng gửi ý kiến thẩm định tới cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đối với Dự án metro số 2 Hà Nội - một trong những dự án đường sắt đô thị có tiến độ bê trễ nhất hiện nay.

Trên thực tế, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cũng là đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều công trình đường sắt đô thị, Bộ GTVT đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị cần được chủ đầu tư làm rõ đối với Dự án metro số 2 Hà Nội.

Được biết, Dự án metro số 2 Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 1/2008 và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Trong hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án mà Bộ GTVT nhận được vào tháng 10/2020, tổng mức đầu tư tuyến metro số 2 Hà Nội được UBND TP. Hà Nội dự kiến điều chỉnh lên 35.769 tỷ đồng (tăng 16.124 tỷ đồng).

Do tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh lớn hơn so với tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên Bộ GTVT cho rằng, UBND TP. Hà Nội phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án metro số 2 Hà Nội theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.

Điều đáng nói là, sau khi rà soát quá trình điều chỉnh Dự án, Bộ GTVT nhận thấy, năm 2012, Dự án này đã từng được UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư là 51.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của tư vấn độc lập, vào tháng 7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư không quá 30.069 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 35.769 tỷ đồng. Đây cũng là tổng mức đầu tư đã được UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh Dự án từ năm 2017.

Áp lực vốn đầu tư

Theo báo cáo và đề xuất của UBND TP. Hà Nội, đối với phần vốn trong tổng mức đầu tư Dự án metro số 2 Hà Nội đã được duyệt, áp dụng cơ chế tài chính chung đối với các dự án đường sắt đô thị (theo đó, ngân sách trung ương cấp phát để thực hiện các hạng mục xây dựng kết cấu hạ tầng đường ray và tư vấn; địa phương vay lại đối với các hạng mục mua sắm thiết bị, phương tiện vận tải, khai thác nhà ga, depot). Đối với phần vốn tăng thêm trong tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh, UBND TP. Hà Nội thực hiện cơ chế vay lại từ Chính phủ.

Mặc dù cho rằng, đề xuất cơ chế tài chính cho Dự án metro số 2 Hà Nội là phù hợp quy định tại Điều 21, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, nhưng Bộ GTVT vẫn đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư của Thành phố sử dụng vốn vay ODA trong kế hoạch trung hạn giai đoạn tới để đảm bảo không vượt quá mức dư nợ cho phép theo quy định.

Đây là lo ngại có cơ sở, bởi giai đoạn 2020 - 2027, ngoài Dự án metro số 2, UBND TP. Hà Nội sẽ triển khai ít nhất 2 dự án metro có quy mô vốn rất lớn khác là tuyến metro số 1 Nhổn - ga Hà Nội (nhận lại từ Bộ GTVT) và tuyến metro số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Bộ GTVT cũng bày tỏ quan ngại về đề xuất của UBND TP. Hà Nội đối với các mốc tiến độ triển khai, đặc biệt là thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2032, trong đó, hoàn thành xây dựng năm 2027 và 5 năm đào tạo vận hành, bảo dưỡng có tính khả thi không cao.

Theo Bộ GTVT, kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án đường sắt đô thị có quy mô xây dựng tương tự Dự án metro số 2 Hà Nội trong năm 2027 là khó khả thi.

Được biết, mặc dù đã được khởi động cách đây 15 năm, nhưng trên thực tế, có rất ít chuyển động trên thực địa tại Dự án metro số 2 Hà Nội - dự án có chiều dài 11,5 km, lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2015.

Cụ thể, tính đến quý IV/2020, công việc trên thực địa duy nhất được tiến hành tại Dự án metro số 2 Hà Nội mới chỉ là việc giải phóng mặt bằng tại một số vị trí, trong đó tại khu vực Depot của Dự án có tổng diện tích thu hồi là 17,58 ha, UBND TP. Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng; phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm, lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

“Đây là tuyến đường sắt đô thị đi qua nhiều khu vực trung tâm thành phố, có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Để giảm thiểu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND TP. Hà Nội cần rà soát quy định hiện hành để sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đáp ứng tiến độ Dự án”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

“Ngoài việc làm rõ việc đội vốn so với khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND. TP. Hà Nội cần căn cứ các quy định hiện hành để rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư nhằm hạn chế phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần, do từ năm 2017 đến nay, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã có những thay đổi nhất định về thể chế, giá, biến động tỷ giá…”.

- Công văn số 1920/BGTVT-KHĐT của Bộ Giao thông - Vận tải

Tin liên quan
Tin khác