Ông Nguyễn Nam Sơn |
Trao đổi với PV bên lề buổi thảo luận về sự phát triển của bất động sản ven biển Việt Nam, ông Sơn cho biết: "Những biệt thự hoặc căn hộ có hướng nhìn trực diện từ nhà ra biển trong khoảng cách dưới một km sẽ có tiềm năng tăng giá gấp đôi trong 7-10 năm nữa". Các vị trí xa bãi tắm, hướng khuất biển sẽ có tốc độ tăng giá chậm ở biên độ thấp hơn.
Cơ sở để đặt cược vào khả năng tăng giá của nhóm bất động sản hướng biển, theo ông Sơn là tổng hòa của nhiều yếu tố. Thứ nhất, bất động sản hướng biển có vị trí đẹp, thuận tiện tận hưởng không gian và môi trường trong lành. Thứ hai, kết nối hạ tầng của các dự án bất động sản ven biển ngày càng phát triển đồng bộ, đặc biệt là di chuyển bằng ôtô dọc theo hệ thống các tuyến cao tốc, vừa nhanh, tiện lợi và ít tốn kém.
Thứ ba, tất cả các loại hình bất động sản dọc theo bờ biển và hướng biển ở vị trí thuận tiện đi bộ sẽ trở nên khan hiếm trong vòng 5-10 năm nữa, đẩy giá đi lên. Thứ tư, du khách nội địa đang tăng trưởng tốt theo thu nhập bình quân đầu người và xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra nhiều năm nữa.
Ngoài ra, theo ông Sơn, có thể lấy khu Phuket Thái Lan để đối chiếu với bất động sản ven biển của Việt Nam. Hiện nay các loại tài sản second home ở vùng biển này, đặc biệt là những căn nhà cách biển 500m đã tăng giá gấp đôi so với giai đoạn đầu hình thành.
"Bất động sản nghỉ dưỡng Thái Lan đi trước Việt Nam 10 năm, vì vậy, trong một thập niên tới khả năng các loại hình nhà ở hướng biển sẽ đi theo xu hướng của Phuket, tăng giá gấp đôi là hoàn toàn khả thi", ông Sơn nói.
Trong buổi báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2015, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend đặc biệt nhấn mạnh đến sự khởi sắc của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trong 12 tháng qua. Điều đáng lưu ý là khách mua loại tài sản đắt đỏ này đa phần sử dụng tiền mặt để thanh toán, không phụ thuộc vào vốn vay.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liệu triển vọng của bất động sản ven biển năm 2016 sẽ đi theo chiều hướng nào, chuyên gia này chia sẻ: "Các kỳ vọng cần lạc quan, táo bạo trong sự thận trọng".
Ông Marc Townsend cho rằng sự hấp dẫn của thị trường bất động sản ven biển Việt Nam một phần là do các chủ đầu tư liên tục đưa ra mức cam kết đảm bảo suất đầu tư 6-8%, có trường hợp đạt 10% và cũng đã xuất hiện đảm bảo bằng đôla. Ngoài ra sự dịch chuyển nhu cầu nghỉ dưỡng sang vùng biển, khu vực có sân golf cùng với nhu cầu nghỉ dưỡng tăng lên, đa dạng hơn đã kích cầu đầu tư rất lớn cho thị trường này.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá: "Điểm rơi an toàn của thị trường bất động sản ven biển đúng là cần ít nhất 10 năm nữa, tuy nhiên khả năng tăng giá gấp đôi là rất khó".
Ông Nghĩa phân tích, để tăng giá gấp đôi trong một thập niên bất động sản nghỉ dưỡng này phải được đặt trong một thị trường có điều kiện lý tưởng. Đó là đồng tiền bị mất giá không đáng kể, nền kinh tế tăng trưởng ổn định hoặc vượt trội, quy mô thị trường không thay đổi trong giai đoạn này và dự án không gặp phải chu kỳ suy thoái, khủng hoảng nào.
Chuyên gia này cho rằng không nên so sánh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm để lấy cột mốc này dự báo khả năng tăng giá. Bởi lẽ, độ minh bạch của thị trường Thái Lan cao hơn Việt Nam nên rủi ro thấp hơn.
Ngược lại thị trường Việt Nam kém minh bạch nên rủi ro sẽ lớn hơn dự kiến, các biến số đầy thách thức có thể là lực cản khiến tài sản khó có thể tăng giá trị lên gấp đôi. "Tuy nhiên, nếu những căn second home vị trí hướng biển trong khu vực được phát triển đồng bộ, có thể kỳ vọng về khả năng tăng giá 50-60% trong một thập niên", ông dự báo.