Thời sự
“Trọng điểm” của Vùng kinh tế trọng điểm
Hà Nguyễn - 30/07/2019 15:29
Sau câu chuyện của các đầu tàu kinh tế, đã đến lúc cần bàn nhiều hơn về các vùng kinh tế trọng điểm, làm sao để các vùng kinh tế trọng điểm này phát triển mạnh hơn, thúc đẩy toàn nền kinh tế tăng tốc.
.

Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao vào cuối tuần qua, Thường trực Chính phủ có cuộc họp bàn về phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm và tác động chung của các vùng kinh tế này tới kinh tế cả nước.

Thực tế, chưa cần phân tích sâu, chỉ nhìn vào hai chữ “trọng điểm” cũng đủ thấy, Chính phủ và toàn nền kinh tế đặt kỳ vọng như thế nào về các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Nam bộ, Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được xây dựng dựa trên số liệu giai đoạn 2011-2017 để lượng hóa tác động của 4 vùng kinh tế trọng điểm nói trên tới tăng trưởng chung của cả nước, đã phần nào cho thấy điều này. Xem tiếp trang 3

Chẳng hạn, cứ 1% GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giúp GDP của toàn nền kinh tế tăng lần lượt là 0,49% và 1,12%.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, Hà Nội và TP.HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước, đã có những đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội quốc gia. Cụ thể hai thành phố này đã đóng góp vào tăng trưởng bình quân chung của cả nước trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng là 13,6% và 19,4%. Nếu tính chung, thì trong giai đoạn 2011-2017, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm mỗi năm tăng bình quân 7,14%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Nhìn vào các số liệu này có thể thấy khá rõ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước, dù có thể chưa đạt như kỳ vọng. Và vì chưa được như kỳ vọng nên cần tiếp tục có giải pháp để các vùng kinh tế trọng điểm phát triển mạnh hơn, kéo nền kinh tế đi lên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp nói trên đã nhấn mạnh việc cần có giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển cho cả 4 vùng kinh tế trọng điểm. Điều này là cần thiết, thậm chí là vô cùng cần thiết, song việc cần làm trước tiên có lẽ phải tập trung cho xây dựng quy hoạch vùng, các cơ chế, chính sách để liên kết vùng, điều phối vùng. Đây chính là một trong những điểm nghẽn quan trọng, khiến không chỉ các vùng kinh tế trọng điểm, mà cả kinh tế cả nước chưa thể bứt tốc mạnh mẽ. Tiếp đó, là chuyện phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các dự án có ý nghĩa liên kết vùng; chuyện phát triển nguồn nhân lực; chuyện cải cách thể chế, chính sách…

Không phải một lần, câu chuyện 63 “nền kinh tế” trong một quốc gia được đề cập. Cũng không phải chỉ một lần, câu chuyện tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ địa phương, thậm chí là lợi ích nhóm được nhắc tới. Muốn phát triển vùng, phát triển kinh tế cả nước, thì phải bắt đầu bằng tư duy phát triển dựa trên lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng tăng tốc hay tụt hậu phụ thuộc rất nhiều vào chính hành động của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các đầu tàu kinh tế. Nhiều khả năng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị tổng thể nhằm thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát triển. Với nỗ lực của Chính phủ và của các địa phương trong vùng, chắc chắn, các vùng kinh tế trọng điểm sẽ có thêm động lực, từ đó phát triển mạnh hơn, xứng với vai trò quan trọng của mình.

Tin liên quan
Tin khác