Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây cho biết đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Nguyên nhân bởi công ty không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 276 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Hoà Phát bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm a Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Đối với công ty đại chúng, theo khoản 4 Điều 276 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 thì số lượng thành viên độc lập HĐQT phải đảm bảo quy định sau: (i) Có tối thiểu 01 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 03 đến 05 thành viên; (ii) Có tối thiểu 2 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 06 đến 08 thành viên; (iii) Có tối thiểu 03 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 09 đến 11 thành viên.
Đến cuối quý I/2022, Hòa Phát có 7 thành viên trong hội đồng quản trị. Trong đó, ông Trần Đình Long đảm nhận vị trí chủ tịch. “Ông lớn” ngành thép có 3 phó chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và ông Doãn Gia Cường, 2 thành viên là ông Hoàng Quang Việt và ông Nguyễn Việt Thắng.
Tại cuộc họp cổ đông năm 2021, Hoà Phát đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới với 7 thành viên trên. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tổ chức vào ngày 24/5, nội dung chương trình họp hiện không bao gồm câu chuyện bầu bổ sung nhân sự cho HĐQT. Tuy nhiên, lời nhắc nhở của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với một trong các doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành, thành viên HĐQT độc lập phải đáp ứng 5 điều kiện. Bao gồm, không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 3 năm liền trước đó; không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định; không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.
Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải thông báo với Hội đồng quản trị về việc không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và đương nhiên không còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện. Hội đồng quản trị phải thông báo trường hợp thành viên độc lập Hội đồng quản trị không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất hoặc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của thành viên độc lập Hội đồng quản trị có liên quan.