Nhiều doanh nghiệp đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. |
Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tiếp được nhiều doanh nghiệp đưa ra khi Bộ Công thương lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nêu ý kiến cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vì thời gian qua, Quỹ không trích/chi nhiều kỳ, nhưng thị trường vẫn ổn định.
Nêu quan điểm về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Về nguyên tắc, Bộ cũng đồng tình là trong tương lai phải xem xét bỏ Quỹ để bảo đảm tính thị trường. Nhưng cũng phải hiểu là Quỹ Quỹ Bình ổn giá thực chất là ngoài ngân sách do người tiêu dùng đóng góp và ủy thác cho doanh nghiệp đầu mối thu và gửi vào tài khoản của ngân hàng".
Thời gian qua, có một số bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ này. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra doanh nghiệp sử dụng Quỹ sai mục đích, không kết chuyển tiền về quỹ..., việc trích lập, chi Quỹ thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể, chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.
"Tại dự thảo mới về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét để quyết định trong một số ngày tới, trong ngắn hạn vẫn phải giữ Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì Nhà nước cũng cần phải có chế tài, cơ chế để điều chỉnh bình ổn mặt hàng chiến lược này, nhưng phải thực hiện nghiêm theo Luật Giá", Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, chỉ điều chỉnh khi có biến động lớn về giá. Khi đó, Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hoặc là khi cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thì mới được áp dụng Quỹ này.
Như vậy, quản lý sẽ chặt hơn và việc sử dụng Quỹ Bình ổn cũng hiệu quả hơn.
Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã được Liên Bộ Công thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng giá) trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, năm 2021, trích lập quỹ 13/24 kỳ điều hành với mức trích lập quỹ từ 100 đồng - 552 đồng tùy mặt hàng; chi sử dụng 23/24 kỳ điều hành với mức chi từ 8 đồng - 2.000 đồng tùy mặt hàng.
Năm 2022, tích lập quỹ 33/34 kỳ điều hành với mức trích lập từ 50 đồng - 950 đồng tùy mặt hàng; chi sử dụng 21/34 kỳ điều hành với mức chi từ 33 đồng - 1.500 đồng tùy mặt hàng.
Năm 2023, trích lập quỹ 12-14/37 kỳ điều hành với mức trích từ 300 đồng - 605 đồng tùy mặt hàng; chi sử dụng 3-5/37 kỳ điều hành với mức chi từ 14 đồng - 950 đồng.
Đến tháng 7/2024, trích lập quỹ 14/30 kỳ điều hành đối với mặt hàng dầu mazut.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 (tính đến kỳ điều hành ngày 25/7/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 30 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON 95 có 16 lần tăng và 14 lần giảm, mặt hàng dầu diesel 14 lần tăng, 16 lần giảm và dầu madut có 18 lần tăng và 12 lần giảm, do đó tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn, ít khi phải trích lập Quỹ và hoàn hoàn không phải chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu.