Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm trị giá 401 tỷ nhân dân tệ (tương đương 55,25 tỷ USD) từ 2,65% xuống còn 2,50%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của Trung Quốc trong ba tháng qua.
Động thái trên được đưa ra sau khi số liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc gây thất vọng. Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 4,4% mà các nhà phân tích dự đoán. Tương tự, doanh số bán lẻ cũng tăng với tốc độ chậm hơn 2,5%.
Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc "khủng hoảng niềm tin" do sự chậm trễ trong phản ứng chính sách của Bắc Kinh được cho là "không hành động" để thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu trên đài CNBC, bà Louise Loo, nhà kinh tế hàng đầu tại công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics, đánh giá: "Không thể che giấu sự thật rằng chúng ta đã trải qua một tháng 7 rất tồi tệ - không chỉ dữ liệu mà chúng ta đã thấy cho đến thời điểm này, mà còn cả dữ liệu của ngày hôm nay".
Một loạt số liệu kinh tế Trung Quốc được công bố tuần qua đều suy yếu, trong đó số liệu thương mại và giá tiêu dùng chững lại, còn tăng trưởng tín dụng ở mức thấp kỷ lục.
"Trong một cuộc khủng hoảng như thế này… bạn thực sự không thể gọi nó là khủng hoảng tiêu dùng hay khủng hoảng đầu tư. Đó thực sự là một cuộc khủng hoảng niềm tin", bà Loo nhấn mạnh, đồng thời lưu ý cách tốt nhất để giải quyết nó "là thực hiện rất nhanh các biện pháp kích thích".
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc gần đây đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cách tiếp cận tổng thể đối với kích thích kinh tế bổ sung của họ vẫn thận trọng.
"Họ rõ ràng muốn nhắm mục tiêu vào các hạng mục có quy mô tiêu thụ lớn", bà Loo nhận xét.
"Điều đó có thực sự đủ để vực dậy tâm lý người tiêu dùng, tâm lý doanh nghiệp? Tôi thực sự không nghĩ rằng họ đã hành động đủ trên mặt trận đó", nhà phân tích của Oxford Economics nhận xét.
Ngoài cắt giảm lãi suất vào ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã bơm 204 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng kỳ hạn (reverse repo) 7 ngày, cắt giảm 10 điểm cơ bản chi phí vay xuống 1,80%, từ mức 1,90%.
"Chúng tôi dự đoán lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và 5 năm sẽ giảm 15 điểm cơ bản tương ứng vào ngày 21/8 (thứ Hai tới), nhưng điều này còn lâu mới đủ để thúc đẩy tăng trưởng", các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận xét.
Họ kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng hơn trong những tháng tới, với sự kết hợp giữa tiền tệ, tài chính, nhà ở và tiêu dùng, "mặc dù mức độ kích thích sẽ nhỏ hơn so với các chu kỳ nới lỏng trước đó".
Đồng quan điểm trên, ông Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, băn khoăn: "Thị trường sẽ đặt câu hỏi liệu lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm, vốn là lãi suất tham chiếu quan trọng cho lãi suất thế chấp, sẽ bị cắt giảm thêm hay cắt giảm mạnh hơn".
"Đó là điều quan trọng nhất mà thị trường dõi theo - tác động hoặc ảnh hưởng đối với thị trường bất động sản vào lúc này", ông Zhou nói, đồng thời nhấn mạnh điều đó rất quan trọng để ổn định tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đang vật lộn với sự suy giảm liên tục của ngành bất động sản. Những rắc rối trên thị trường bất động sản lại phát sinh khi có thêm nhà phát triển bất động sản - Country Garden - đang trên bờ vực vỡ nợ.
"Sự lo lắng của các nhà đầu tư về Country Garden không phải là những vấn đề mà riêng doanh nghiệp này đang phải đối mặt. Nhưng thực tế là chính phủ đã khá im lặng về vấn đề này", bà Loo đánh giá, đồng thời lưu ý ngành bất động sản Trung Quốc sắp đối mặt với “một đợt điều chỉnh vốn đã chậm trễ lâu nay”.
Sau sự hồi phục ban đầu sau đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với những tồn tại từ lâu và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của nước này đang chậm lại.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 12,4% trong tháng 6. Theo một cuộc khảo sát chính thức, hoạt động của khu vực nhà máy trong tháng 7 đã đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp.
Nói chung, câu chuyện phục hồi kinh tế nhờ tiêu dùng thúc đẩy của Trung Quốc "gần như đã kết thúc", bà Loo nhận xét.
"Nếu nhìn vào hai quý tới, chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung rất nhiều vào việc nâng cao sản lượng công nghiệp, cải thiện tâm lý kinh doanh. Vì vậy, thực sự, tôi nghĩ trọng tâm đó sẽ phát huy tác dụng".