Việc EU khởi động cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đánh dấu một bước leo thang khác trong quan hệ hai bên. Ảnh: AFP |
Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi đối thoại để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc và cam kết thực hiện các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mức trung hòa carbon.
Bộ này nêu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/9 rằng: "Trung Quốc tin rằng các cuộc điều tra do Liên minh châu Âu (EU) công bố dưới danh nghĩa ‘cạnh tranh công bằng’ thực sự nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp của chính họ".
"Đó là một hành động bảo hộ trắng trợn, sẽ phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu - bao gồm cả EU, đồng thời sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU", Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá.
Thông báo ngày 13/9 của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu - về việc khởi động cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đánh dấu một bước leo thang khác trong quan hệ EU - Trung Quốc và phản ánh tác động của sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty Trung Quốc đến ngành năng lượng mặt trời châu Âu.
Vào cuối tháng 5, Mỹ và châu Âu đã nhất trí cắt giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thay vì cắt đứt hoàn toàn quan hệ, hai bên đã nhất trí thực hiện động thái "giảm rủi ro" hơn nữa.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên minh hàng năm tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg vào ngày 13/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã xác nhận cuộc điều tra trên, đồng thời khẳng định: "Châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng không phải cho một cuộc chạy đua xuống đáy".
Ủy ban châu Âu cho biết một cuộc điều tra chống trợ cấp phải áp dụng các biện pháp trong vòng 13 tháng kể từ khi bắt đầu. Cơ quan này cũng khẳng định các biện pháp tạm thời phải được áp dụng trong 9 tháng, sau đó là bốn tháng áp dụng các biện pháp dứt khoát nếu được bảo đảm về mặt pháp lý.
"Việc Brussels sẵn sàng điều tra mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc đã cho thấy xu hướng bảo hộ ngày càng tăng ở châu Âu, khi EU tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số", các nhà phân tích tại Eurasia Group bình luận.
Họ cho rằng: "EU sẽ chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, do phạm vi giải ngân trợ cấp bị hạn chế và mức viện trợ nhà nước giữa các thành viên EU là không đồng đều".
"Nếu EU nhận thấy tác hại từ các khoản trợ cấp của Trung Quốc, khối này có thể sẽ áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc bất chấp nguy cơ phản ứng dữ dội về chính trị và kinh tế từ Bắc Kinh", các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định.
Các quốc gia thành viên EU đang đề nghị khối này bảo vệ các nhà sản xuất ô tô châu Âu trước sự cạnh tranh của xe điện Trung Quốc bởi họ cho rằng các sản phẩm này được chính phủ Trung Quốc trợ giá rất nhiều.
Trong khi đó, đài CNBC dẫn lời một quan chức hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho biết xe điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu thường được bán lẻ ở mức giá gần gấp đôi so với thị trường Trung Quốc đại lục.
Ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội ô tô Trung Quốc, cho biết: "Xuất khẩu phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc tăng mạnh hơn không phải do mức trợ cấp lớn của nhà nước mà do chuỗi cung ứng công nghiệp Trung Quốc có tính cạnh tranh cao do sự cạnh tranh mạnh mẽ ở thị trường nội địa".
“EU nên nhìn nhận sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc một cách khách quan, thay vì tự ý áp dụng các công cụ kinh tế và thương mại đơn phương để hạn chế sự phát triển hoặc tăng chi phí vận hành các sản phẩm xe điện của Trung Quốc ở châu Âu”, ông Dongshu khuyến nghị.