Nhiều công ty dầu mỏ Trung Quốc đã tích cực nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga. Ảnh: Reuters |
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, bao gồm nguồn cung được bơm qua hệ thống đường ống Thái Bình Dương phía Đông Siberia (một hệ thống phục vụ xuất khẩu dầu thô từ Nga sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương) và các chuyến hàng bằng đường biển từ các cảng châu Âu và Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn.
Con số này tương đương với khoảng 1,98 triệu thùng/ngày, tăng 25% so với mức nhập khẩu trong tháng 4/2022.
Dữ liệu cũng cho thấy, Nga đã giành lại vị trí đứng dầu trong danh sách các nhà cung ứng dầu thô cho Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới - sau 19 tháng. Điều này cũng cho thấy Nga vẫn có thể tìm được đối tác nhập khẩu dầu mỏ, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đang nhằm vào quốc gia này.
Trong lúc nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã bị kìm hãm bởi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp vài tháng gần đây và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại, các nhà nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu của nước này, bao gồm "gã khổng lồ" ngành hóa dầu Sinopec và Công ty khai thác - sản xuất dầu mỏ Zhenhua Oil, đã tích cực nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga, đồng thời giúp họ thu hẹp quy mô nhập khẩu dầu mỏ cạnh tranh từ Tây Phi và Brazil.
Saudi Arabia tiếp tục là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai, với sản lượng bán ra tăng 9% trong tháng 5, lên mức 7,82 triệu tấn, tương đương 1,84 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu hải quan được công bố hôm 20/6 cũng cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn dầu thô từ Iran vào tháng 5 và đây là lô hàng thứ ba của nước này kể từ tháng 12 năm ngoái, theo Reuters.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu mỏ Iran, nhưng thường được chuyển qua nguồn cung từ các nước khác. Lượng dầu mỏ Iran chiếm gần 7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng gần 12% lên mức 10,8 triệu thùng/ngày, so với mức bình quân năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.
Theo số liệu hải quan, Trung Quốc đã không nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela trong tháng 5. Các công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc đã né mua dầu mỏ từ Venezuela kể từ cuối năm 2019 vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu mỏ từ Malaysia, nơi được xem là địa bàn trung chuyển dầu mỏ có nguồn gốc từ Iran và Venezuela trong hai năm qua, đã tăng lên 2,2 triệu tấn vào tháng 5. Con số này khá ổn định so với tháng 4, nhưng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, nhập khẩu dầu mỏ Brazil của Trung Quốc giảm 19% so với cùng kỳ trước đó xuống 2,2 triệu tấn, do nguồn cung từ quốc gia Mỹ Latinh này đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng giá rẻ của Iran và Nga.
Ngoài dầu mỏ, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với gần 400.000 tấn trong tháng 5, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu khí LNG của Nga (chủ yếu từ dự án Sakhalin-2 ở Viễn Đông và Yamal LNG ở khu vực Russian Arctic) đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,84 triệu tấn.