Quốc tế
Trung Quốc: Tăng trưởng quý II/2023 thấp hơn dự báo
Đông Phong - 17/07/2023 12:48
Kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 đạt tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn kết quả tăng 4,5% trong quý I, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 7,3%.
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn, bao gồm việc "bơm máu" cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và nới lỏng một số chính sách bất động sản. Ảnh: Reuters

Nhu cầu trong và ngoài nước cùng suy yếu

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý II/2023 khi nhu cầu trong và ngoài nước cùng suy yếu, còn động lực tăng trưởng hậu Covid-19 đã chững lại và gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.

Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc cố gắng duy trì đà phục hồi kinh tế và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, bởi bất kỳ biện pháp kích thích mạnh mẽ nào cũng có thể gây ra rủi ro nợ và méo mó cấu trúc.

So với quý I/2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 0,8%, theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/7.

"Dữ liệu trên cho thấy sự tăng trưởng bùng nổ hậu Covid-19 của Trung Quốc rõ ràng đã kết thúc", bà Carol Kong, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia ở Sydney, nhận định. Chuyên gia này lý giải: "Các chỉ số tần suất cao hơn đã tăng so với số liệu của tháng 5, nhưng vẫn cho thấy một bức tranh về sự phục hồi ảm đạm và chững lại, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã chạm mức kỷ lục".

Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (từ 16 đến 24 tuổi) đã đạt mức kỷ lục 20,8% trong tháng 5, cao hơn mức đỉnh được thiết lập vào tháng 4. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở mọi lứa tuổi tại các thành phố là 5,2% trong tháng 5.

Dữ liệu quý II cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau Covid-19 đang chững lại do xuất khẩu giảm mạnh nhất trong ba năm khi nhu cầu trong và ngoài nước đều "hạ nhiệt".

Mặt khác, suy thoái kéo dài của ngành bất động sản đã làm hao hụt niềm tin thị trường. Động lực tăng trưởng chung suy yếu nên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phải hành động nhiều hơn nữa để vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một số nguồn tin thông thuộc chính sách Trung Quốc nói với Reuters rằng giới chức nước này có thể sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn, bao gồm các khoản chi tiêu tài chính để "bơm máu" cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, hỗ trợ nhiều hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tư nhân, đồng thời nới lỏng một số chính sách bất động sản. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng là điều không thể.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến vào cuối tháng này, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này có thể vạch ra lộ trình chính sách cho thời gian còn lại của năm nay.

Cần chính sách hỗ trợ khẩn cấp?

Trong khi Trung Quốc được cho là đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% vào năm 2023, một số nhà phân tích lại cho rằng mục tiêu này có nguy cơ bị lỡ.

Bình luận về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý II, ông Alvin Tan, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets (Singapore), cho biết: "Đó là một con số khá đáng thất vọng khi chỉ ở mức 6,3%, vì vậy rõ ràng đà tăng trưởng đang chậm lại".

"Với tốc độ giảm này, thực sự có nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng - mức 5% này có thể không đạt được nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc với tốc độ này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này làm tăng tính cấp thiết hơn cho việc sớm hỗ trợ chính sách nhiều hơn nữa", ông Alvin Tan nhận định.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng có khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ khiêm tốn, thay vì các biện pháp kích thích mạnh mẽ do hạn chế về dư địa và lo ngại về rủi ro nợ tăng lên.

Tuy nhiên, sự suy giảm sâu hơn có thể gây ra mất việc làm nhiều hơn và gia tăng rủi ro giảm phát, làm xói mòn thêm niềm tin của khu vực tư nhân.

Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chia sẻ vào cuối tuần trước rằng cơ quan này sẽ sử dụng các công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và cơ sở cho vay trung hạn để vượt qua các thách thức kinh tế. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản ở mức khiêm tốn 10 điểm cơ bản.

Tính riêng tháng 6, doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng 5. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng nhanh lên 4,4%, từ mức 3,5% ghi nhận trong tháng 5. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn ở mức "ấm" trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19 vẫn còn gập ghềnh.

Một số nhà kinh tế đã cho rằng nguyên nhân suy yếu là do "hiệu ứng sẹo" gây ra bởi Bắc Kinh đã nhiều năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 và các quy định siết chặt lĩnh vực bất động sản và công nghệ.

Trong bối cảnh mà sự bất định ngày càng cao, các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân thận trọng đã chọn cách tích lũy tiền tiết kiệm và trả nợ thay vì mua sắm hoặc đầu tư mới. 

Tin liên quan
Tin khác